Chủ Nhật, 20 tháng 11, 2016

Suy Niệm Tin Mừng Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ - Năm C

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ. Lễ Chúa Kitô Vua được đặt vào cuối năm phụng vụ để nói lên rằng: Đức Kitô là điểm đến của thời gian và cùng đích của mọi người, cùng đích của lịch sử nhân loại.
Ấy thế nhưng, nếu chỉ dừng lại ở suy xét của lý trí chúng ta sẽ không thể nào thấu hiểu được, thậm chí ta sẽ cảm thấy Thiên Chúa có một cái vẻ gì đó rất nghịch lý và mâu thuẫn. Chúa Kitô là vua cả và vũ trụ mà lại để cho con dân của mình đóng đinh vào thập giá. Cái giây phút mà Chúa được tuyên xưng là vua lại chính là giây phút bị treo trên thập giá, chính là giây phút mà người ta khạc nhổ nước bọt vào mặt Ngài. Mỗi lần nhìn lên thập giá có biển ghi INRI: Giêsu Nazarét Vua Dân Do Thái, có lẽ khiến nhiều người cũng chạnh lòng, khó hiểu.
Trong ngôn ngữ giới hạn của con người thì chúng ta chẳng còn chữ, chẳng còn lời nào khác để chỉ người đứng đầu một vương quốc ngoài từ vua. Vì vậy khi diễn tả sự cao trọng của Thiên Chúa chúng ta cũng không còn cách nào khác là dùng lại từ vua. Thế nhưng suốt dọc dài lịch sử nhân loại đã có biết bao nhiêu là vị vua đã dùng quyền uy của mình mà bóc lột, áp bức người khác, phạm những tội ác kinh tởm làm cho chúng ta không mấy cảm tình với chữ vua.
Vậy chúng ta phải hiểu vua Kitô mà chúng ta long trọng mừng kính hôm nay như thế nào? Quả thật, phụng vụ Lời Chúa giúp chúng ta hiểu được rằng: chính trong những điều mà chúng ta nghĩ là nghịch lý của Chúa lại vén mở giúp chúng ta biết Chúa là vua. Chúa Giêsu là một vị vua không giống bất kỳ vị vua nào trên trần gian này. Ngài là một vị vua không ngai vàng, không cung điện. Một vị vua đến để cảm thông, đến để cứu lấy những gì đã mất, đến để đánh đổi chính mạng sống của mình mà cứu vớt lấy nhân loại “ngay hôm nay anh sẽ được ở trên thiên đàng với ta”.
Và đặc biệt, Ngài là một vị vua vô cùng nhân hậu và chan chứa lòng thương xót đối với nhân loại tội lỗi, là vị vua từ bi hay tha thứ. Vương quyền của vua Kitô vượt hẳn mọi vương quyền trần gian. Ngài là vua tình yêu, vua của sự thật, của bình an trong Thánh Thần.
Từ đó dẫn chúng ta có thái độ sám hối như anh gian phi trong Tin Mừng khiêm tốn nhìn nhận sai lỗi của mình “chúng ta bị như thế này là xứng với việc mình làm” đồng thời cũng biết cậy dựa vào tình yêu của Chúa “lạy Chúa xin thương xót tôi, khi nào vào nước của Chúa xin nhớ đến con”.
Chúng ta cũng hãy thầm thĩ với Chúa như vậy trong thâm sâu cõi lòng của mình. Amen.


Jos. MiKe



0 nhận xét:

Đăng nhận xét