Thứ Năm, 26 tháng 1, 2017

Suy Niệm: Lễ Cầu Cho Ông Bà Tổ Tiên


Dù ai buôn bán nơi đâu. Nhớ đến ngày tết, rủ nhau mà về
Kính thưa,… thánh lễ hôm nay gói gém nhiều tâm tình. Tâm tình tạ ơn Thiên Chúa vì một năm qua, Ngài đã ban muôn ân huệ xuống cho từng người, từng gia đình và cộng đoàn giáo xứ chúng ta. Tâm tình của những con xa quê được trở về đoàn tụ bên ông bà, cha mẹ. Tâm tình của những người còn sống hướng lòng mình để tưởng nhớ các bâc tiền nhân.
Và đặc biệt, hôm nay chúng con những linh mục quê hương Phước Nam cũng hiện diện nơi đây, trong ngôi nhà thờ của giáo xứ mẹ Điền Hộ. Tất cả chúng ta cùng nhau hiệp dâng lễ cầu nguyện cho các bậc sinh thành, còn sống cũng như đã qua đời, với trọn vẹn đạo hiếu của con dân đất Việt: ăn quả nhớ kẻ trồng cây, uống nước nhớ nguồn.
Vâng, đã là người ai cũng có cố, có ông, có cha có mẹ. Như cây có cội, như sông có nguồn. Cây có gốc mới nở ngành xanh ngọn, nước có nguồn mới biển rộng sông sâu.
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay nhắc lại cho chúng ta một điều quan trọng: “hãy thảo kính cha mẹ”. Đây là một lệnh truyền chứ không phải lời khuyên. Lời khuyên thì có thể không làm nhưng lệnh truyền thì buộc phải thi hành.
Nơi bài đọc 2: Thánh Phaolô nhấn mạnh với chúng ta rằng: “Phải thờ cha kính mẹ” đó là điều răn duy nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này”.
Nơi bài Tin Mừng, Chúa Giêsu đã tái xác nhận và đúc kết ý tưởng trên, qua cuộc tranh luận với nhóm Pharisêu. Chúa Giêsu không có ý hủy bỏ truyền thống. Ngài chỉ muốn gọt dũa, kiện toàn truyền thống, làm cho trở nên thiết thực, hữu ích cho con người.  Chúa Giêsu không những không phủ nhận đạo hiếu của người Do thái mà còn tái khẳng định lại giới răn thảo hiếu ông bà cha mẹ, khi nói với họ rằng: “Quả thế, Thiên Chúa đã dạy: Ngươi hãy tôn kính cha mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ thì phải bị xử tử”. Ngài đã mạnh dạn khai triển điều răn thứ tư trong 10 điều răn mà Thiên Chúa đã truyền cho dân Do Thái, qua trung gian của Môisen trên núi Sinai: Thứ Bốn thảo kính cha mẹ.  
Thế nhưng, thưa quý ông bà và anh chị em. Thật trớ trêu thay, cuộc đời này vẫn còn đó những đứa con ngày đêm kinh bỉ, hắt hủi cha mẹ, vẫn còn đứa những đứa con đang làm cho mẹ cha phải đau khổ vì những việc làm sai lẽ đạo, trái luật đời.
Người ta kể câu truyền rằng: Một cậu bé mồ côi cha từ thưở nhỏ nên lúc nào cũng cuốn quýt bên mẹ không rời một bước. Cuộc sống trôi qua êm ả. Nhưng oái oăm thay, từ khi biết cắp sách tới trường, cậu đâm ra thù ghét mẹ. Lý do đơn giản chỉ là vì bạn bè trong lớp thường xuyên chế diễu cậu. Nào là “mẹ mày chột mắt”, nào là “ê! Mụ chột đến tìm mày kìa”. Thậm chí có đứa còn nói: “chắc mẹ mày chột nên mày không có bố”. Thế là hình bóng người mẹ đã dần trở thành nỗi hận mỗi lúc một sâu sắc. Mỗi lần nhác thấy mẹ đến trường là cậu con đầy mặc cảm ấy vội vàng lẩn tránh. Càng bực hơn nữa khi mẹ cậu như không hiểu được: mẹ vẫn vô tư tươi cười, không hề thốt một lời trách móc. Có vẻ như mẹ rất hạnh phúc mỗi khi được nhìn thấy cậu.
Thời gian trôi đi… anh ta học hành thành tài, trở thành giám đốc của một công ty lớn. Rồi lấy vợ, tổ chức đám cưới lộng lẫy xa hoa, nhưng cấm mẹ tuyệt đối không được bén mảng tới. Mẹ vẫn mỉm cười tựa hồ không có gì buồn phiền. anh ta còn thề thốt với vợ rằng: mình mồ côi không cha, không mẹ từ lúc mới lọt lòng.
Bỗng một hôm, không biết nhờ đâu mà người mẹ xuất hiện  trước cửa nhà cậu con trai ở Singapo. Thấy con, bà mừng quá, nhưng chưa kịp mở lời, thì cậu con đã tái mặt diễn tuồng coi như không biết: “bà tìm ai?”. Mẹ thảng thốt: “Con ơi mẹ đây, con không nhận ra mẹ à?”. “ôi! chắc bà nhầm rồi, ở đây có mấy người việt giống tôi lắm. Bà vui lòng đi tìm kỹ lại xem ”. Rồi bà tươi tỉnh cáo biệt.
Hai tháng sau, nhân chuyến công tác về sài gòn một mình, anh ta tạt qua nhà mẹ, không phải để thăm cho bằng, để mắng mẹ một trận vì bà đã to gan sang tận nhà cậu ở Singapo. Hỡi ơi, nhà cửa nồng nặc toàn mùi nhang. Hàng xóm cho biết bà đã qua đời được ba ngày. Họ trao cho cậu bức thư mà mẹ cậu để lại với đoạn viết:
“Con yêu của mẹ! Ngày con ra đời, mẹ đau lòng vì thấy con bị hư một con mắt. Mẹ đã năn nỉ, lạy lục bác sỹ móc một con mắt của mẹ để gép vào chỗ con mắt hư của con. Tuy mẹ mất một mắt, nhưng mẹ rất hạnh phúc mỗi lần thấy con nhìn đời bằng con mắt của mẹ. Mẹ rất hài lòng vì con đã thành đạt. Mẹ sẽ ra đi vì mẹ yếu lắm rồi. Nhưng nơi chín suối, mẹ mãn nguyện vì nhờ con mắt của mẹ, con đã nhìn thấy mọi sự bình thường như bao người khác. Dù không gặp con nữa, nhưng mẹ vẫn tiếp tục phù hộ cho con…”
Người con trai bội bạc sững sờ tê điếng, nước mắt tuôn trào. Nhưng đã quá muộn. 
Thế đấy, thưa quý ông bà và anh chị em. Vì không biết tình yêu của mẹ nên người con trong câu chuyện đã vô ơn bạc nghĩa với mẹ. Biết đâu cách này hay cách khác, chúng ta cũng đang vô tình bất nghĩa với cha mẹ của mình.
Con thiết tưởng rằng đã đến lúc chúng ta phải nghĩ lại, đã đến lúc chúng ta phải dừng ngay lại những việc làm, những lời nói xúc phạm đến cha mẹ.
Con thiết tưởng rằng: thảo kính cha mẹ không phải là chuyện gởi những món quà to, nhưng lỡi tết nặng, nhưng thảo kính cha mẹ là về bên các ngài trong những ngày nghỉ, thăm hỏi, chăm sóc, hiện diện, an ủi, đỡ đần và yêu thương.
Thảo kính cha mẹ cũng không phải là chuyện khoe thành tích, cũng chẳng là chuyện dâng cúng ít nhiều, nhưng là biết vâng nghe nhưng lời dạy dỗ bảo ban; biết ghi lòng tạc dạ đền đáp công ơn.
Những bậc làm con, làm cháu hãy suy nghĩ lại.

J.MiKe






0 nhận xét:

Đăng nhận xét