Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2016

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật I - Mùa Vọng A


SUY NIỆM 1


Hôm nay, nhìn lên cung thánh ta cảm nhận được một chút gì đó gợn buồn nhưng lại khơi dậy một niềm hy vọng. Bàn thờ có nến, không hoa, lễ phục chủ tế mang màu tím. Màu tím của lặng lẽ hy sinh, màu tím của âm thầm nguyện cầu, màu tím của tha thiết đợi chờ.
Chắc hẳn ai trong trong chúng cũng có được cái kinh nghiệm chờ đợi: chờ đợi một biến cố quan trọng trong đời; chờ đợi người đi xa trở về; chờ đợi một tin vui của người thân. Cuộc chờ đợi nào cũng làm chúng ta hồi hộp lo lắng xen lẫn với khấp khởi mừng vui. Trong khi chờ đợi, thời gian dường như trôi đi rất chậm, rất dài.
Mùa phụng vụ đầu tiên trong năm là Mùa Vọng hay Mùa Đợi. Đợi không có nghĩa là cứ ăn rồi ngồi dài cổ ra mà ngóng, mà chờ,... nhưng là mời gọi chúng ta làm việc và không ngừng yêu thương. Chúa đã đến hơn hai ngàn năm nay trong lịch sử, nhưng đối với mỗi cá nhân sống trên cõi đời này, thì Người vẫn đang đến, đến trong từng giây, từng phút rất bất ngờ trong cái tính cách của Người. Bất ngờ ở đây không chỉ đơn thuần về mặt thời gian, nhưng là bất ngờ vì nó vượt ra ngoài mọi dự đoán và mọi suy nghĩ quen thuộc của con người và vì vậy có thể nói rằng: mỗi ngày sống của chúng ta trên trần gian là một ngày chờ đợi để gặp Chúa. Cuộc gặp gỡ này mang màu sắc lạc quan hay bi quan tùy thuộc vào thái độ sống của mỗi người. Đối với ai thành tâm kiếm tìm Chúa thì cuộc gặp gỡ ấy là niềm vui và hạnh phúc. Đối với ai chỉ coi giá trị vật chất đời này là đích điểm, thì cuộc gặp gỡ ấy lại là sự kết án đau thương.
Để chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ định mệnh ấy, phụng vụ Lời Chúa nhắc chúng ta hãy tỉnh thức. Câu chuyện lịch sử về ông Nôê đóng tàu như là một kinh nghiệm sống, để luôn chuẩn bị sẵn sàng, phải tỉnh thức vì không biết giờ nào và ngày nào sẽ là lúc tận cùng của cuộc sống chúng ta.
Tỉnh thức không thể hiểu theo kiểu mơ màng bay bổng chốn thiên thai: “Đêm khuya chợt tỉnh giấc, thoang thoảng hương hoa nhài, nhớ em ôi da diết, thao thức chờ ban mai”. Không, Tỉnh thức theo nguyên nghĩa Thánh kinh tỉnh thức là: không ngủ, là sẵn sàng. Tỉnh thức không phải hiểu về mặt thể lý, mà được hiểu về mặt tinh thần. Tỉnh thức, tức là tỉnh táo để phân định Chúa đến lúc nào mà ra đón Người. Lúc tận cùng ấy huyền nhiệm và khó hiểu, được diễn tả như việc có hai người đang làm ruộng, hay hai người đang xay bột, một người được để lại và người kia được đem đi. Hay cũng bất ngờ như người chủ đi xa trở về bất chợt, vào lúc những người giúp việc không ngờ.
Tỉnh thức để đón Chúa, người tín hữu cũng được kêu mời tỉnh thức để nhận ra Chúa nơi anh chị em mình, nhất là những người nghèo khổ. Ngày nay người ta nói nhiều đến chứng bệnh vô cảm. Con người trở nên dửng dưng lạnh lùng trước những nhu cầu và nỗi đau của người thân hoặc những người xung quanh. Con đường dẫn ta đến gặp Chúa là con đường được nối kết bằng những việc bác ái ta làm đối với anh chị em mình.
Trước thực trạng xã hội Việt Nam hiện nay, lời của Thánh Phaolô khuyên chúng ta hãy còn nguyên giá trị: hãy loại bỏ những việc làm đen tối… hãy ăn ở đứng đắn như người sống giữa ban ngày… đừng chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãngHãy thức dậy hỡi những ai ngủ mê! Hãy ra khỏi bóng tối của ích kỷ hẹp hòi, mánh lới,… để bước vào ánh sáng huyền nhiệm của sự thật, của bác ái thứ tha. 
Lạy Chúa, xin ban ơn giúp chúng con biết sống thời gian mùa vọng một cách trọn vẹn nhất: Một thời gian cầu nguyện sâu hơn, một thời gian gặp Chúa nhiều hơn, một thời gian học hỏi Lời Chúa kỹ hơn, một thời gian tập làm quen với đường lỗi của Chúa tha thiết hơn. Và như vậy, dẫu Chúa đến bất cứ giờ nào hay bất cứ cách nào thì tâm hồn chúng ta vẫn là ngôi nhà mở rộng cửa đón rước Chúa vào ở với chúng ta và ta sẽ đón nhận được sự bình an của Người.
 Jos.MiKe


SUY NIỆM 2

Có những điều trong đời sống có thể làm cho con người cảm thấy thú vị nhưng cũng có thể là nỗi ám ảnh kinh hoàng dẫn đến hụt hẫng. Đó là những điều bất ngờ. Một người thân quen sau bao năm xa cách tưởng chừng như đã chết bỗng dưng xuất hiện. Ông Dakêu đâu ngờ rằng Chúa Giêsu đến dùng bữa tại nhà mình. Những người thời ông Noe đâu thể nào ngờ được lụt Đại Hồng Thủy xảy đến. Một căn nhà đang là nơi che nắng che mưa cho con người sau một đêm chỉ còn là một đống tro tàn…
Tất cả những điều trên xảy đến trong đời sống đều gắn bó với sự sống của con người trên thế gian này. Con người là thụ tạo có giới hạn bởi không gian và thời gian. Bắt đầu mỗi năm Phụng vụ Giáo hội cho con cái mình nghe lời nhắc nhở đầy yêu thương của Chúa Giêsu: “Các con hãy tỉnh thức … và sẵn sàng…”. Lời nhắc nhở này như là định hướng lại cho đời sống đức tin của người tín hữu.
Cùng sống, cùng làm việc nhưng người tín hữu có thể khác nhau về ý thức bên trong tâm hồn. đúng như Chúa Giêsu nói: “Xác nằm đâu, diều hâu tụ đó".(Lc 17, 37). Người tín hữu Công giáo luôn được mời gọi sống trong niềm tin và hy vọng. Vì lẽ, dù cuộc sống có trăm ngàn điều bất ngờ xảy đến mà tâm hồn người tín hữu luôn hướng về Chúa về hạnh phúc Nước Trời thì sẽ mang đến cho họ niềm vui và hạnh phúc.
Nói rằng Chúa đến bất ngờ nhưng thật ra Chúa đã và đang đến mỗi ngày trong đời sống dưới nhiều hình thức khác nhau. Hạnh phúc đích thật của người tín hữu đang ở trong tầm tay của họ. Chỉ cần họ sống rộng mở với Chúa và quảng đại với anh chị em thì cuộc sống này có thay đổi theo thời gian nhưng tình thương là chân lý sẽ không thay đổi.
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp mỗi người chúng con sống giữa thế gian bao nhiêu thăng trầm nhưng lòng trí luôn hướng về Chúa và hạnh phúc Nước Trời.
Mic. Thiện Tâm

0 nhận xét:

Đăng nhận xét