Thứ Bảy, 12 tháng 11, 2016

LỐI SỐNG CỦA GIỚI TRẺ THỜI @

Lối Sống Của Người Trẻ Thời @

Mỗi người trong chúng ta đều được mời gọi làm người với một trách vụ riêng biệt, một sứ mệnh đặc trưng không ai giống ai. Đó là ơn gọi đặc biệt của Thiên Chúa ban theo niềm tin Kitô giáo. Vì thế, khi quan sát từng hoàn cảnh sống của từng người, ta sẽ thấy mỗi người đều có những hòan cảnh sống khác nhau. Có thể cùng chung một dạng hoàn cảnh, như cùng nghèo, cùng sống chung trong một tập thể.v.v… nhưng không thể có hai người giống nhau như đúc được. Vì thế, mỗi người đều có và phải sống với sứ mệnh của mình chứ không thể sống thay cho một người nào khác.
Ngày nay chúng ta đang sống trong xã hội phức tạp đa dạng muôn màu, có nhiều người biết tự phấn đấu vươn lên làm chủ cuộc sống của mình. Biết xây dựng một cuộc sống lành mạnh, tốt đẹp, đầm ấm và hạnh phúc. Không những chỉ xây dựng cho cuộc sống của mình tốt đẹp, mà họ còn hướng đến, góp phần vào việc cải tạo một đời sống xã hội tốt đẹp hơn.
Tuy nhiên, cũng không ít người không tìm được ý nghĩa sống cho cuộc đời mình. Họ mất khả năng tự chủ, sống như một cái bóng rất mờ nhạt, không danh tánh gì. Họ sống được là nhờ dựa dẫm vào người khác, vào những gì mà người khác để lại cho mình. Họ tự làm nổi chính mình khi tìm đến những điều đồi truỵ, băng đảng, sai phạm pháp luật và lương tâm con người. Họ đi tìm tự do cho chính mình mà không nghĩ đến những hậu quả có thể mang lại cho gia đình, cho xã hội và cho người khác. Lối sống như thế gọi là “sống đoàn lũ”. Có nghĩa là con người sống nhưng không có ý nghĩa gì tốt đẹp cho cuộc đời và cho xã hội. Thế mà lối sống như vậy lại đang như là một cách sống “thời thượng” ở rất nhiều bạn trẻ hiện nay. Vậy thì tại sao một số bạn trẻ lại chọn cho mình lối sống ấy?
     “Sống đoàn lũ” hay còn gọi là “Adua”
Vậy, có thể hiểu rằng “sống đoàn lũ”là một đời sống không mấy danh tiếng, một đời sống thiếu tự chủ, ít có ý nghĩa cuộc đời, là sống hời hợt, sống dựa dẫm vào người khác”. Đôi lúc có những mảnh đời là “hữu danh nhưng vô thực” thì cũng là sống đoàn lũ. Trong xã hội ngày nay, có rất nhiều người “sống vô danh”. Đó là những con người sống mà không hiểu được những ý nghĩa của cuộc sống, không hiểu được cuộc đời mình là gì. Đó là những người không có quan điểm sống, không có mục đích hay triết lý sống cho cuộc đời của mình. Họ là những con người không biết tự chủ hay không làm chủ nổi chính mình. Là những người thiếu chí khí, thiếu đi những quan điểm triết lý cuộc đời, không có một “nhân sinh quan” hay một nền tảng nào cho cuộc đời của mình. Họ sống mà như không sống, không biết sống, không biết đời mình sẽ trôi dạt về đâu, và ngày mai sẽ như thế nào. Một phần cũng có thể do hoàn cảnh quá khắc nghiệt, nhưng cũng có rất nhiều người giàu sang, đầy đủ tiện nghi vật chất, nhưng họ vẫn “sống vô danh”, vì họ chỉ biết bám víu vào mớ của cải vật chất vô hồn, xem trọng nó như là một thứ cứu cánh của cuộc đời mình, mà xem thường đạo lý nhân đức, xem thường người khác. Họ sẵn sàng bằng  mọi cách, có thể là tệ nhất, để bảo vệ hay đạt được cái tôi tham dục của mình.
“Sống vô danh” còn là những người sống chỉ biết mình một phần nào thông qua người khác, qua hoàn cảnh, qua những biến cố xảy ra. Họ cảm thấy mình hạnh phúc tuyệt vời, đời lên cao chót vót, cảm thấy mình có giá trị, mình cao trọng… khi có người khác khen mình, nhưng cũng buồn chán thê thảm nếu bị một ai đó chê bai. Con người ấy sống nhất thời, lệ thuộc quá đáng vào trong những dư luận của xã hội, sống kiểu ăn mày lời khen tiếng chê, vào sự quan tâm của người khác về mình. Họ không biết nỗi mình, và cảm thấy bị chi phối rất nhiều bởi những dư luận xã hội ấy.
Người “sống vô danh” còn là người vô trách nhiệm đối với chính mình. Từ đó, sẽ cũng dễ dàng vô trách nhiệm, thờ ơ, lãnh đạm… đối với người chung quanh, đối với môi trường sống, và đối với gia đình của mình. Họ sống buông thả, để đời mình lênh đênh trên biển trần cho qua ngày qua tháng. Làm được một thì xài một, làm được hai thì xài hai, không cần biết ngày mai, không cần biết tương lai là gì. Với họ thì không thể có một kế hoạch, một phương hướng cho cuộc đời mình. Họ sống ung dung cách tự tại cách thái quá, thậm chí ngay cả làm phiền hà đến người khác.
Trong những người “sống vô danh” đó, còn có cả những hạng người sống chỉ biết chính mình. Họ tham lam, ích kỷ, chỉ biết vun đắp cho bản thân mà không cần quan tâm đến người khác. Thậm chí họ còn cư xử nhẫn tâm với người đồng loại của mình, hòng để thoả mãn những tính tham dục trong con người họ. Họ tự cho mình là nhất, là trên hết mọi người, là quan trọng. Từ đó, họ dễ dàng xem thường người khác, coi người khác như là một thứ gì đó bồi đắp cho mình. Họ sống thiếu tôn trọng, thiếu tình cảm, thiếu tế nhị với người xung quanh….
Một người quá tham vọng, quá vọng quyền, vọng danh, vọng tiền… mà chỉ biết cho chính bản thân mình cũng là một hạng người “sống vô danh”. Vì họ có thể tìm đủ mọi phương cách, kể cả những thủ đoạn tệ hại nhất,… để đạt cho bằng được những mục tiêu tham vọng của mình, để thoả mãn những cái khát khao vô độ của tham dục trong con người mình. Có thể họ trở thành một thành phần vô cùng nguy hiểm, có tầm tác hại lớn cho xã hội và cho con người.
Và còn biết bao nhiêu con người “sống vô danh” khác tràn lan trong xã hội ngày nay. Tất nhiên, tình trạng ấy sẽ còn tồn tại trong xã hội tương lai nữa, vì trong xã hội loài người văn minh xưa nay đều tồn tại những người “sống vô danh”.
Ý hướng triết lý của mỗi người luôn được hình thành trong một khung cảnh xã hội nhất định. Tâm thức của mỗi cá nhân là kết quả của một sự “thoả mãn” giữa văn hoá xã hội và lựa chọn tự do của mỗi người. Khi nói tới lựa chọn ý hướng triết lý của mỗi người thì không thể bỏ qua khung cảnh xã hội chung quanh, nghĩa là cần nói tới tâm thức con người trong xã hội.
Bởi vì cuộc sống như một dòng sông không ngừng chảy. Lịch sử nhân loại đã từng chứng kiến bao giá trị được coi là tốt đẹp trong thời đại này, lại bị coi là tầm thường trong thời đại khác. Những tinh thần tinh tuý nhất của nền văn hoá này lại là điều dị hợm trong nền văn hoá khác. Như vậy, tâm thức con người trong dòng sông cuộc đời cũng luôn luôn phải thay đổi để thích ứng và sống còn với thời đại của mình. Điều đó là hợp lý và cần thiết, bởi vì mỗi người, trước hết, phải đảm nhận những vấn đề của thời đại mình, và hơn nữa gặp thấy thách đố của chính mình trong bầu khí của “tâm thức” thời đại.
Trước đây, xã hội còn tương đối ổn định, và người ta còn nhìn thấy tương lai của mình. Khi đó, sống trong một “thế giới” quen thuộc chung quanh như đất nước, gia đình, cộng đoàn… người ta còn cảm thấy được che chở, tâm hồn được chuẩn bị để sống cuộc đời dành cho mình, và nhờ đó mà tìm được một sự yên ổn. Trong xã hội đó, người ta có thể tìm được ý nghĩa đời mình trong nếp sống đều đặn, nếp sống như mọi người và mối bận tâm của con người thường hướng về dĩ vãng, thích suy tư về nguồn gốc, nhận ra sự liên đới với truyền thống cha ông, làng xã, quê hương, đất nước.
Nhưng hiện nay, xã hội biến chuyển quá mau, con người không còn có thể vững tâm trong nếp sống và những gí trị cổ truyền. Người ta luôn có cảm giác bấp bênh, thấy cuộc đời mình chưa được tính toán xong, và tự thâm sâu, có tâm trạng sao xuyến, “hổng chân”. Một trong những tình trạng thiết thực trong xã hội ngày nay là xếp loại con người theo hiệu năng, tính toán cuộc đời như một chương trình vi tính và lên chương trình sống theo kim đồng hồ, thì nguy cơ cuộc sống vô danh lại càng lớn hơn rất nhiều. Nó được thể hiện trong não trạng duy hành động và càng ngày người ta càng không thể yên lặng một vài phút để lắng nghe chính con người mình. Thế nhưng, một lúc nào đó, khi hiệu năng của công việc không giải quyết được những ước vọng sâu xa, khi mà những thành quả đạt được về phương diện xã hội không làm cho đời mình đáng sống hơn, thì người ta sẽ phải đụng chạm vào câu hỏi: Tôi đang làm tất cả những việc này để làm gì nhỉ? Khi đó, người ta mới lên đường đi tìm lại khuôn mặt thật của chính mình.
Hơn nữa, trong dòng lịch sử thỉnh thoảng lại có những biến động lớn, những biến động này làm thay đổi sâu xa hay xoay chuyển hoàn toàn tâm thức của con người, chẳng hạn qua hai cuộc chiến tranh thế giới trong thế kỷ 20 đã làm thay đổi tận gốc những cách nghĩ của nhân loại, rồi những thay đổi trong khuôn khổ đời sống gia đình, trào lưu xã hội hoá, ảnh hưởng của các hệ thống triết học Mácxit, hiện sinh…. Những biến đổi như thế nhiều khi làm sụp đổ cả một hệ thống giá trị và hình thành những nền tảng giá trị mới.
Do những thay đổi quá mau của xã hội hiện nay, người ta phải thay đổi luôn luôn những những suy nghĩ và lập trường của mình để chạy theo những đòi hỏi trước mắt. Những bài học khôn ngoan của cha ông tỏ ra không thực tế, việc tôn trọng những đức tính căn bản nhất xưa kia nhiều khi làm lỡ mất dịp may hiếm có. Từ đó, người ta dễ dàng bị lôi kéo vào thái độ chỉ biết thích ứng mà không có căn bản tự tại, chỉ nhận ra những kết quả nằm trên bề mặt mà không hề băn khoăn về ý nghĩa hay đạo lý làm người, chỉ thích những gì có tác dụng tức thời mà không cần xét coi nó có làm mất đi điều gì quý giá của tâm hồn hay không. Cuộc đời của họ là tất cả những gì đang diễn ra đó và đang trôi đi. Cuộc sống đó không có truyền thống, không có tôn giáo, không có những vùng trời quê hương trong tâm hồn. Cuộc sống có vẻ như bận rộn nhiều chuyện, nhưng chỉ cần tách mình ra xa một chút là ta thấy ngay tất cả chỉ là những làn khói lao xao, phất phơ, chỉ cần gạt nhẹ là thấy ngay cái trống rỗng ở bên dưới. Cuộc đời của họ chỉ là những thành tựu ngẫu nhiên trong cơn lốc của thời cuộc, là những gặp gỡ tẻ nhạt trong dòng nước vô tình của cuộc đời. Ngay cả những giá trị chân chính của thời đại mới người ta cũng chẳng có đủ thời gian để thấm sâu. Rốt cùng, xã hội con người hiện nay cũng giống như nhận định của Jaspers: “… không còn hàm chứa được một tư tưởng tượng trưng siêu việt nào cả”.
Mặt khác, trong xã hội tiến bộ mau lẹ như vậy, khi không thích ứng được với những thay đổi, người ta lại dễ dàng tìm cách lẫn trốn, lẫn trốn những vấn đề thật bằng những trò vui dễ tìm thấy, bỏ quên những vấn đề căn bản để tạm giải quyết bằng những biện pháp chắp vá; lẫn trốn chính mình để sống như “người ta đang sống” như bất cứ ai khác; ẩn náu vào những cái “người ta nói” để khỏi bị trách nhiệm trước lương tâm; lẫn trốn những thắc mắc căn bản của đời mình để lao vào sống vội, sống với một ý thức ngái ngủ, với một nhân cách không hình hài, sống với những ý kiến mơ hồ của đám đông vô danh. Trong cuộc sống đó, không còn cái gì là “thiêng liêng” cả. Đó là điều mà người ta gọi là nguy cơ của cuộc sống hời hợt.
Những Biểu Hiện Của “Lối Sống Vô Danh” Nơi Giới Trẻ Ngày Nay:
Sống dựa dẫm:
Khi nhìn vào gia cảnh của những bạn trẻ thành phố hiện nay, phần lớn họ sống trong một gia đình tương đối ít con. Mỗi gia đình thường chỉ một hoặc hai con. Cha mẹ lo lắng cho kinh tế gia đình, dù rất yêu thương con cái, nhưng họ lại ít có thời gian dành cho con. Họ dành thời gian ấy tập trung cho công việc làm. Họ gửi con nơi nhà trẻ, nơi học đường với một hy vọng rằng thầy cô giáo sẻ thay thế họ mà dạy bảo con họ nên người. Đó là một hy vọng sai lầm, vì con cái cần đến cha mẹ chúng dạy bảo hớn bất kỳ ai khác. Tình thương cha mẹ dành cho con cái cũng khác rất nhiều so với truyền thống đạo lý của người Việt Nam. Hồi xưa, người Việt Nam ta có câu: “Thương con cho roi cho vọt. Ghét con cho ngọt cho bùi”. Thế mà họ lại thương con theo lối “cho ngọt cho bùi”. Cứ nuông chiều chúng theo những gì chúng muốn. Thoả mãn theo ý con cái là một việc làm tai hại mà họ không nghĩ tới, cứ cho rằng đó là một cách thế thể hiện lòng thương yêu con rất mực của mình. Họ cho rằng, vì mình có quá ít con cái nên họ chiều theo ý con thay vì phải bắt con nên người theo ý mình. Nhưng họ mắc phải một sai lầm rằng con cái họ sẽ sớm có một tính ỷ lại vào họ.
Về phía những đứa trẻ, họ vốn được yêu thương chiều chuộng, vốn được cha mẹ cưng chiều hết mực, đã nhanh chóng tạo nơi họ một tâm lý ỷ lại vào cha mẹ. Họ muốn làm gì thì làm vì cứ nghĩ rằng đã có cha mẹ làm tấm bình phong che chắn cho họ. Trong những năm gần đây, tỷ lệ phạm pháp và sa vào những tệ nạn xã hội có chiều hướng gia tăng cao trong giới trẻ ở Tp. Hồ Chí Minh, cũng như ở các tỉnh thành khác. Họ thường là những “cậu ấm, cô chiêu” con nhà khá giả, có cha mẹ hay những người thân làm lớn, có vai vế trong xã hội. Họ có thừa tiền dư của nhưng không hề nghĩ đến việc sử dụng chúng vào những gì có ích cho xã hội, mà cứ phung phí tiền của đó vào trong những tụ điểm ăn chơi, vào trong những trò tiêu khiển tai hại, vào xì ke ma tuý, vào trong những tổ chức, những đàn đúm mang tính xã hội đen…, bởi vì tiền ấy đâu phải của họ làm ra, mà họ lại có nó như “cái núi” vậy.
Họ dựa vào đồng tiền, họ tôn sùng tiền bạc lên bậc đấng chí tôn của họ, có đủ mọi quyền hành nếu họ có tiền, vì họ quan niệm rằng “đồng tiền là quyền lực” mà. Họ tổ chức đua xe trái phép, nếu bị bắt cũng chỉ là một sự thư giãn đối với họ thôi, vì không quá 12 giờ là họ được thả ra, dù đua xe là một điều hết sức nguy hiểm đến tài sản cũng như tính mạng của mình và của người khác. Họ tổ chức mua bán trái phép chất ma tuý, bị bắt nhưng vẫn dửng dưng. Dù bị tuyên án phát tù rất nặng, nhưng không hiểu sao chẳng bao lâu họ lại có mặt ứng dụng trên “giang hồ ”. Đó là vì họ có những “ô dù “ rất lớn luôn che chắn cho họ, dù họ gặp hiểm nguy thế nào đi nữa. Họ rất tin tưởng và ỷ lại vào những “ô dù ” này.
Sống hưởng thụ, đua đòi:
Hiện tượng này thấy rất rõ trong giới trẻ. Họ sống hưởng thụ những gì các thế hệ trước, những gì cha mẹ đã làm lụng tích cóp lại cho họ. Họ sống vui hưởng trên những “núi tiền” đó mà không hề nghĩ đến những công sức vô giá của cha mẹ, của người đi trước đã làm nên chúng. Không những thế mà họ còn đua đòi với chúng bạn, với những mốt thời thượng để không bị “thua chị kém em”. Họ thấy chúng bạn có xe đời mới thì lập tức họ cũng về đòi cha mẹ mua cho họ thứ xe ấy. Họ thấy chúng bạn có những mốt áo quần mới thì họ cũng đòi mua cho bằng được những thứ áo quần ấy. Họ làm thế mặc dù họ không hề biết mình làm thế để làm gì, có ích lợi gì cho mình không, mà họ chỉ muốn rằng “chúng mày có thì tao cũng có”.
Sự đua đòi của giới trẻ ngày nay theo chiều hướng tiêu cực nhiều hơn tích cực. Họ không hề ý thức thấu đáo về những hành vi của mình. Thay vì tranh đua nhau học tập, thể hiện chính mình có tài có đức
Muốn thể hiện mình:
Sự đua đòi của giới trẻ ngày nay theo chiều hướng tiêu cực nhiều hơn tích cực. Họ không hề ý thức thấu đáo về những hành vi của mình. Thay vì tranh đua nhau học tập, thể hiện chính mình có tài có đức, thi nhau rèn luyện mình trở thành một người tố cho xã hội, cho gia đình, đem lại những danh thơm tiếng tốt cho mọi người… như bao bạn trẻ khác. Nhưng tiếc thay họ chỉ biết khám phá và tìm ra chính mình, khẳng định  mình qua những loại hình tội phạm, qua những tệ nạn xã hội, qua những mốt thời thượng theo lối “xã hội đen”.v.v…. Họ cảm thấy rất thoả mãn khi cho rằng mình uống rượu bia hơn bạn khác, mình có nhiều tiền hơn bạn khác, mình có xe đời mới nhất mà bạn khác không có. Mình bỏ tiền ra chơi trổi hơn người khác để mong rằng chúng nó khiếp sợ mình mà xem mình như là một “đại ca”. Mình thể hiện cho người ta thấy mình là dân ăn chơi sành điệu, thứ gì cũng biết, món gì cũng kinh qua, chổ nào nổi tiếng mình cũng am tường hết… để chúng bạn không còn cho mình là cù lần.
Mình thể hiện cho chúng bạn biết mình là người có nhiều tiền của, con ông to bà lớn, con nhà giàu, có ô dù thứ “bự”, bất chấp luật pháp hay tiếng nói của lương tâm. Thế đó, họ muốn chứng tỏ mình là thế đó, để mọi người phải biết và phải “kinh sợ” họ.
Nguyên Nhân Dẫn Đến Các Hiện Tượng Đó:  
Khi nhìn thấy bất kỳ một hiện tượng nào xảy ra thì chúng đều bắt nguồn từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Có những nguyên nhân có thể hiểu thấy được, nhưng cũng có những nguyên nhân không biết được. Có những nguyên nhnâ trực tiếp, nhưng cũng có những nguyên nhân gián tiếp. Hiện tượng đó được tác động bởi nhiều nguyên nhân từ nhiều khía cạnh khác nhau. Vì thế, hiện tượng “sống vô danh” của giới trẻ thành phố hiện nay cũng được phát sinh từ nhiều nguyên nhân khác nhau, mà một số nguyên nhân có thể là:
Từ xã hội:
Chưa có khi nào đời sống xã hội Việt Nam thay đổi và biến chuyển mạnh mẽ như ngày nay. Nhìn vào đời sống thật phong phú và sinh động như hiện nay, nhìn vào sự phát triển về nhiều mặt của thành phố ta cũng thấy choáng ngợp trước tốc độ phát triển của nó. Tuy nhiên, không phải tất cả đều tốt, không phải nhìn thấy sự hào nhoáng bề ngoài của nó mà ta có thể nói rằng nó thật tốt đẹp, mà nó còn ẩn chứa bên trong nó nhiều vấn đề nan giải, nhiều điều đang làm đau đầu nhức óc nhiều nàh chức trách hay nhiều người có trách nhiệm. Một trong những vấn đề nan giải đó là lối sống rất thời đại của giới trẻ hiện nay.
Nước ta đang thời kỳ mở cửa, hội nhập nhiều rất nhiều thứ từ nước ngoài. Cửa chính mở nhưng các cửa nhỏ mở nhiều hơn. Hàng nhập quan cửa quan có nhiều nhưng hàng nhập lậu nhiều hơn. Cũng thế, lối sống lành mạnh, phát triển tiến bộ, văn minh để làm xã hội phát triển tốt đẹp cũng hội nhập vào nước ta, nhưng đồng thời những luồng văn hoá, tư tưởng “đen”, những lối sống “mốt” mà chỉ phù hợp với một số quốc gia ngoài nước cũng đua nhau hội nhập vào nước ta. Trong đó không thể không kể đến lối sống “sành điệu” đang “hoành hành” giới trẻ hiện nay, đặc biệt là ở Tp. HCM.
Họ tiếp nhận mốt cắt tóc đinh, tóc nhiều màu từ những diễn viên điện ảnh Hàn Quốc được chiếu nhan nhãn trên truyền hình, hay được bày bán vô số ngoài các của hiệu phim ảnh. Họ tiếp nhận nhiều thức ăn mặc “quái dị” trông rất khó coi. Họ tập trung nơi quán “bar”, nơi các vũ trường để phô diễn cho mọi người biết “ta đây là…”, biết “ta đây có…”. Họ tiếp thụ những phim hành động mang tính bạo lực đến nỗi họ thể hiện ra bên ngoài bằng cách tổ chức nhiều băng nhóm “xã hội đen”, nhiều tổ chức tội phạm, buôn bán ma tuý, buôn người…. Nói chung, thứ gì nước ngoài có thì “nước trong” cũng có. Nhưng ở một tầm mức còn nguy hiểm hơn vì nơi đây là “giao điểm” của những luồng văn hoá, của những lối sống rất thịnh hành ở một số nước hiện nay. Sự bộc lộ cách sống ấy rất mất trật tự, thể hiện đặc trưng của Âu Á có đủ cả.
Giới trẻ ngày nay đang tận dụng “thời kỳ mở cửa” mà tha hồ thể hiện những cái “tự do ngoài khuôn phép” của mình, mà họ nghĩ rằng đã bị chèn ép, gò bó bấy lâu nay dưới áp lực, ảnh hưởng của xã hội phong kiến, của một lối giáo dục đại đồng theo tinh thần truyền thống đạo đức của người Phương Đông. Sự thể hiện lối sống ấy của họ như là một thông điệp muốn nói lên rằng họ cần phải được tự do, muốn làm gì thì làm, muốn thích sao thì thích, đừng ai can thiệp hay đụng vào…. Và thật thế, khi người khác đồng ý với ý của họ như vậy, thì có một vấn đề trái ngược lại rằng, sự tự do của họ không còn bị một rào cản nào có thể ngăn cản nổi. Sự tự do ấy đòi hỏi quá cao đến nỗi vượt ra ngoài những chuẩn mực đạo đức tốt lành, hay vượt ra ngoài những khuôn phép, phẩm đạo của lương tâm, khiến họ không còn biết phân định đâu là những gì họ được phép làm hay đâu là những gì họ không được phép thực hiện. Sự thể hiện tự do của họ đang trở thành một “ung nhọt” ngày càng làm nhức nhối xã hội, mà hậu quả thật là lớn, trở thành một gánh quá nặng cho xã hội đang thời kỳ phát triển như hiện nay. Đó là những trung tâm cai nghiện ma tuý ngày càng nhiều, những bệnh viện dành điều trị cho những bệnh nhân HIV, những trung tâm mồ côi, hoặc những nhà tình thương tập thể làm nơi tá túc cho những chị em đã lỡ lầm.v.v….Vì vậy, vấn đề đặt ra là, làm thế nào để bớt đi những điều không hay ấy? Câu hỏi đáng để những người có trách nhiệm với xã hội, có lương tâm đế ý tới.
                           Từ văn hoá giáo dục và gia đình:
Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng chính trong việc hình thành lối sống vô danh của giới trẻ ngày nay. Trong xã hội trước đây, một gia đình sinh nhiều con thì lại nghèo nàn về vật chất: con cái thất học, đói kém, nghèo hèn…. Nhưng bù lại thì nền giáo dục gia đình tương đối chuẩn mực hơn. Còn bây giờ, theo chính sách khuyến khích của nhà nước ta, thì mỗi gia đình sinh rất ít con, thường thì chỉ một hoặc hai con, với phương châm rằng: “mỗi gia đình nên từ một đến hai con để nuôi dạy cho tốt”. Từ “cho tốt” ở đây cũng gặp nhiều vấn đề: Thứ nhất, vì ít con nên con cái trở thành vô cùng quý giá đối với cha mẹ, cha mẹ yêu thương chúng vô ngần nên sẵn sàng chiều theo những ý muốn của chúng. Thứ hai, vì cha mẹ thường lo lắng cho kinh tế gia đình quá mức, lo cho con có đủ tiền chứ không xem trọng việc giáo dục con cái cho nên người tốt. Họ nghĩ rằng, con cái họ đến trường thì có thầy cô thay thế họ giáo dục giùm. Nhưng đó là một lối suy nghĩ tiêu cực, vì sự giáo dục đối với con cái không chỉ bằng những phẩm trật đạo đức bắt người con phải tuân thủ y như thế, nhưng là bằng cả một tấm lòng, cả một tình thương yêu mến chúng. Một thực tế phủ phàng rằng, các bậc phụ huynh bây giờ có thể rất giàu kiến thức về nhiều mặt, nhưng họ lại không đủ kiến thức để hiểu con mình và dạy chúng nên người tốt. Thứ ba, bạn trẻ thấy rằng mình được tự do, nên làm những gì cũng không bị cha mẹ biết hoặc la mắng. Họ cảm thấy mình bị thiếu vắng đi tình thương của cha mẹ mà lẻ ra họ phải có nó để trưởng thành một con người. Trước đây, vì có nhiều con cái trong một gia đình nên có thể người con lớn thay thế cha mẹ mà giáo dục em mình, trong nhà chan chứa tình yêu thương đùm bọc nâng đỡ nhau. Còn bây giờ, khi nhà ít con cái, thì thiếu vắng đi tình thương yêu ấy, đã tạo cho một bạn trẻ sống vị kỷ hơn, thậm chí ngay cả một hành động họ làm cũng làm họ không biết nó có thật là tốt hay không, vì thiếu đi sự hướng dẫn của người anh chị em hoặc cha mẹ của mình.
Khi bạn trẻ đến trường thì gặp ngay một một lối giáo dục “rất thời đại” của trường học. Bây giờ chữ “tôn sư trọng đạo” xem ra quá cổ hũ rồi, câu nằm lòng trước đây “tiên học lễ. Hậu học văn” dường như đang được thay bằng câu “tiên học phí. Hậu học thêm” xem ra rất đau lòng xót ruột, nhưng đó lại là một thực tế rất thịnh hành trong lối giáo dục bây giờ của nước ta. Nền học vấn bây giờ quá xem trọng kiến thức, xem trọng các nguyên tắc nội quy, kỷ luật khắc khe của nhà trường, mà lại làm lơ đi điều quan trọng hơn là đào tạo cái tâm cho con người. Người ta nhấn mạnh đến cái tài hơn cái đức, đã khiến cho xã hội ngày nay sinh ra nhiều điều hết sức phức tạp.
Khi bạn trẻ ra ngoài xã hội, thì gặp ngay những điều “hết sức hấp dẫn” đang lôi kéo họ vào trong nó. Nếu bạn trẻ nào không muốn thì cũng khó có thể sống yên ổn được, vì họ sẽ cảm thấy mình đơn độc, trong khi ai ai cũng tham gia những điều đó.
Nguyên nhân tâm lý:
Đây là nguyên nhân quan trọng nhất, vì nó xuất phát từ bên trong của con người. Bạn trẻ thấy mình được tự do khám phá những gì tạo ấn tượng nơi họ, gây cho họ một sự tò mò. Cũng có thể họ thấy bị ức chế trong chuyện tình cảm như, cha mẹ ly dị, hoặc bỏ rơi họ. Họ thấy thiếu hụt trong tình cảm mà đáng lý ra họ phải có để quân bình như con cái trong những gia đình đông con. Họ cảm thấy cô đơn, không ai chịu hiểu mình. Họ ao ước được chan chứa tình cảm của bố mẹ, của người thân, thì ngược lại, chỉ thấy tẻ nhạt và lạnh lùng, cảm thấy cha mẹ không hiểu cho mình. Họ thấy mình yếu đuối dù xem ra ngoài mặt họ rất mạnh mẽ. Họ có thể vững mạnh về ý chí, nhưng lại bị “sốc” về tình cảm. Mặc cảm thua sút, chán đời…. Những lúc đó, họ không biết tìm ra đâu con đường giải thoát khỏi những tình trạng đó, không biết tìm đâu ra chỗ dựa đáng tin cậy. Họ tìm đến các nhà tư vấn tâm lý ư? Cũng có một số, nhưng đến nhà tư vấn thì lại tạo cho họ một mặc cảm rằng tự nhiên mình nói hết, tâm sự hết cho một người hoàn toàn xa lạ đang khoác một cái áo “tư vấn tâm lý” đó.
Cũng có thể họ cảnh thấy vô cùng chán chường trước những hoàn cảnh sống vô bổ, nhất thời như hiện nay. Họ nhìn đời chỉ thấy một màu xám xịt. Hoặc họ rất nhạy cảm về những điểm yếu của họ mà họ chưa thể khắc phục được.
Bạn thân mến, cuộc đời là một chuỗi những chọn lựa và quyết định sống còn. Cứ theo lẽ thường, ngay khi phải lựa chọn một điều gì: chọn trường, chọn nghề, chọn bạn, … thì con đường trước mắt dường như luôn mù mờ, không rõ, nguy hiểm, khiến bạn không nhìn thấy rõ hay định hướng cụ thể được. Vì vậy với bạn, lúc quyết định chọn lựa là giây phút quan trọng và không thiếu những khó khăn. Một quyết định đúng đắn đòi hỏi ở bạn ba bước: nhận thức được tất cả những yếu tố liên quan; tuân theo sự hướng dẫn của lý trí; và đón nhận mọi hậu qủa từ những quyết định của mình.Với tuổi trẻ, cuộc đời của bạn có rất nhiều đổi thay, bạn đang đứng trước ngã rẽ cuộc đời, buộc bạn phải có những lựa chọn về tương lai, về đường đời. Sẽ có những lúc bạn cảm thấy hoài nghi, lo lắng, sợ hãi, ươn hèn, ngại khó, … . Sự khôn ngoan dạy cho bạn biết phải cẩn thận trước những quyết định, nhưng cũng đừng qúa thụ động, ăn nhờ sống gửi người khác, để mặc cho giòng đời đẩy đưa, đưa đẩy. Vì sẽ có lúc bạn phải tự quyết một mình, không ai có thể thay thế cho bạn trong những quyết định mang tính sống còn. Vậy một khi đã thực sự suy xét cẩn trọng, bạn hãy mạnh dạn đón nhận cuộc đời, và kiên trì theo đuổi đến cùng với những dự phóng trong đời.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét