Thứ Hai, 28 tháng 11, 2016

Sư Phạm Giáo Lý Khối Trung Cấp

LỊCH SỬ CỨU ĐỘ


I. LỊCH SỬ CỨU ĐỘ LÀ GÌ?[2]

Mầu nhiệm cứu độ là ý định yêu thương từ muôn đời của Thiên Chúa, nhằm thông ban sự sống hạnh phúc của Ngài cho con người. Ý định này được thực hiện qua công cuộc sáng tạo, nhưng vì loài người khước từ, mở đường cho sự dữ xâm nhập vào thế gian, gây đau khổ và sự chết. Thiên Chúa vẫn tiếp tục ý định yêu thương, nên đã sai Con Một xuống thế làm người để cứu chuộc loài người. Ý định cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện qua một chương trình, diễn ra ngay trong lịch sử loài người: Lịch sử dân Israel.
Lịch sử cứu độ là lịch sử những kỳ công mà Thiên Chúa thực hiện từ sáng thế cho tới tận thế, qua những biến cố, lời nói, việc làm, để ban ơn cứu độ cho loài người.
Hay nói cách khác, lịch sử cứu độ chính là cuộc gặp gỡ và đối thoại giữa Thiên Chúa và loài người, bắt đầu từ việc Thiên Chúa tạo dựng trời đất muôn vật, trải qua các bước thăng trầm trong thời gian, nhưng luôn qui hướng về Chúa Kitô là trung tâm của lịch sử, và chỉ hoàn tất khi Chúa Kitô lại đến (ngày quang lâm tái giáng, ngày tận thế).

II. CÁI NHÌN TỔNG QUÁT VỀ LỊCH SỬ CỨU ĐỘ

1. Cựu Ước

Trình thuật sách Sáng thế cho chúng ta thấy về nguồn gốc vũ trụ và việc Thiên Chúa hoạt động giữa loài người. Vũ trụ này đã được Thiên Chúa tạo dựng và có một sự khởi đầu trong thời gian (St 1,1) chứ không phải là kết quả của sự ngẫu nhiên tình cờ. Thiên Chúa dựng nên muôn loài và sắp đặt trật tự cách khôn ngoan. Người tạo dựng mọi sự tốt đẹp và tạo dựng trong trật tự. Đối với con người, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa và được đặt làm chủ muôn loài.
Trong các hồng ân Thiên Chúa ban cho con người, tự do là điều cao quý nhất giúp con người dùng chính tự do ấy để hoạch định ơn sủng mà sống sao cho đẹp lòng Thiên Chúa. Tuy nhiên, một nghịch lý đã xảy ra, con người đã dùng tự do Thiên Chúa ban mà bất tuân lệnh Thiên Chúa. Sự bất tuân của con người khiến cho các mối tương quan giữa họ với Thiên Chúa, với tha nhân, với chính họ và với vạn vật bị phá vỡ. Song, Thiên Chúa vẫn một lòng yêu thương và hứa ban Đấng Cứu Thế để cứu chuộc họ thoát khỏi tội lỗi và sự chết. Đấng Cứu Thế là Vị Trung Gian hoà giải giữa Thiên Chúa và con người, con người với chính mình, con người với con người và con người với vạn vật.
Để thực hiện lời hứa của mình, Thiên Chúa chọn một số người trở thành tổ phụ của dân sẽ được thiết lập là dân Israel. Các tổ phụ cho chúng ta những mẫu gương đức tin vào Thiên Chúa. Abraham được mệnh danh là cha của kẻ có lòng tin. Các tổ phụ khác, dù mỗi người có một khía cạnh khác nhau, nhưng đều thể hiện một sự vâng phục Thiên Chúa và tất cả đều thể hiện một lòng nhiệt thành với ý định của Ngài.
Lịch sử dân Israel thực sự bắt đầu với việc ông Môsê đưa đồng bào ra khỏi đất Aicập. Chính việc xuất hành từ Aicập đến núi Sinai lập giao ước đã tạo nên dân Israel. Các thế hệ tiếp theo trong dân cũng vẫn công nhận thời kỳ này là thời kỳ khai sinh của họ. Bởi đó, họ luôn hồi tưởng về thời kỳ này và lấy nó làm điểm quy chiếu cho mọi giai đoạn lịch sử của mình.
Khi vào đất hứa, các nhóm dân sống rải rác và liên minh với nhau trong một thời gian dài để đối phó với hiểm họa xâm lược của các bộ lạc chung quanh. Cứ mỗi lần xuất quân chiến đấu, họ chọn lấy một người chỉ huy, điều khiển quân đội của vài thị tộc. Xong trận mạc, họ lại trở về với đồng ruộng của mình. Cứ mỗi lần như vậy, họ bắt đầu lại, không có sẵn đội quân tinh nhuệ, vì thế, kết quả rất tầm thường. Dần dần, Israel nhận ra rằng họ phải có vị chỉ huy tối cao thống lãnh toàn thể mười hai chi tộc, mới có hy vọng đánh thắng dân địa phương. Và như thế, lịch sử Israel chuyển hướng sang chế độ quân chủ, việc chuyển hướng này tạo nên nhiều biến động cả về chính trị và tôn giáo.
Sự chuyển hướng và bối cảnh lịch sử đã tạo nên một sự biến động sâu xa trong đời sống dân Chúa cả về tôn giáo lẫn chính trị xã hội. Sau những ổn định ban đầu, đất nước bị chia rẽ, sự cách biệt người giàu và người nghèo gia tăng, đời sống niềm tin ảnh hưởng bởi các thần dân ngoại… Trong bối cảnh ấy, sự hiện diện của các ngôn sứ trong lịch sử Israel là một hiện tượng tôn giáo nổi bật nhất của Cựu Ước. Chính nhờ sự can thiệp của các ngôn sứ trong nhiều giai đoạn và dưới nhiều cách thức khác nhau, diễn tả một ý nghĩa tôn giáo đặc biệt mang ý nghĩa của lịch sử cứu độ. Các ngôn sứ đã đóng góp một phần rất quan trọng trong việc lèo lái lịch sử dân tộc sao cho đi đúng đường lối của Thiên Chúa.

2. Tân Ước

Vào thời viên mãn, Ngôi Lời đã được Chúa Cha sai xuống trần gian để cứu độ con người. Các sách Tin Mừng cho chúng ta biết lời tiên báo của các ngôn sứ đã được ứng nghiệm nơi Đức Giêsu thành Nagiaret.
Ngài xuống thế làm người không chỉ dành riêng cho Israel mà cho muôn dân, Ngài sống ẩn dật khoảng 30 năm trước khi đi rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa.
Khi bắt đầu sứ vụ công khai, Đức Giêsu Kitô đã công bố Nước Trời đã đến gần, đồng thời mời gọi con người sám hối để đón nhận tình yêu cứu độ, để đáng vào hưởng Nước Trời: “Thời kì đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng’’ (Mc 1,15).
Trọng tâm chương trình cứu độ của Đức Giêsu Kitô là biến cố Tử nạn và Phục sinh. Chính cái chết của Người mang lại ơn cứu độ cho chúng ta, cuộc phục sinh mang lại niềm hi vọng sống lại và sự sống vĩnh cửu, dành cho những ai tin vào Người.
Thương khó và phục sinh là đỉnh cao của lịch sử cứu độ. Đó là sự hoàn thành lời hứa của Thiên Chúa từ ngàn xưa, và tiếp tục hành trình cứu độ cho đến khi hoàn tất mọi sự.

3. Giáo Hội

Đức Giêsu Kitô về trời, Người đã ban Thánh Thần cho các Tông Đồ, Giáo Hội được thành lập vào ngày Lễ Ngũ tuần. Giáo Hội nối tiếp và hoàn tất chương trình cứu độ của Đức Giêsu Kitô ở trần gian cho đến khi Ngài trở lại trong vinh quang.

III. SỐNG LỊCH SỬ CỨU ĐỘ CỦA THIÊN CHÚA

Chiều dài lịch sử cứu độ cho chúng ta nhận ra tình yêu nhưng không của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Thiên Chúa là tình yêu và muốn thông ban tình yêu cho con người, Ngài đã sáng tạo vũ trụ, tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài, cho sống cuộc sống nghĩa thiết với Ngài và làm chủ mọi loài được dựng nên. Khi nguyên tổ loài người sa ngã, mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa bị rạn nứt, con người không còn được hưởng đặc ân công chính nguyên thủy, lòng trí ra yếu đuối, phải đau khổ và phải chết. Tự sức mình, con người không còn khả năng vươn tới Thiên Chúa. Chính vì vậy, Ngài đi bước trước thực hiện chương trình cứu độ qua từng giai đoạn của lịch sử loài người. Đỉnh cao của chương trình tình yêu Thiên Chúa là hành động tặng ban chính Con Một của mình, để ai tin vào Người thì được cứu độ (Ga 3,16). Công trình cứu độ của Thiên Chúa bằng mọi cách, dù là lời nói, hành động, trung gian hay kể cả việc ban chính Con Một đều tỏ lộ cho chúng ta một sự thật: Thiên Chúa yêu thương con người.
Là Kitô hữu nói chung và giáo lý viên nói riêng, chúng ta có bổn phận cộng tác vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Bởi lẽ, đây là lợi ích của chính bản thân chúng ta, như thánh Augustinô đã nói: Khi tạo dựng nên chúng ta, Thiên Chúa không cần hỏi ý kiến chúng ta, nhưng để cứu độ chúng ta, Ngài cần chúng ta ưng thuận và cộng tác với Ngài, bởi vì Ngài sẽ không thể cứu độ chúng ta, nếu như chính bản thân chúng ta lại không muốn. Đây cũng là lợi ích của tha nhân, Thiên Chúa có thể cứu vớt con người mà không cần sự hợp tác của con người nhưng Thiên Chúa đã không làm như thế. Người luôn muốn nhờ con người để cứu vớt con người. Và cuối cùng, việc chúng ta cộng tác vào chương trình cứu độ để làm vinh danh Thiên Chúa. Thiên Chúa là Tình Yêu nên không gì làm Chúa hài lòng cho bằng việc Tình Yêu của Ngài được đón nhận và bộc lộ một cách trân trọng và biết ơn.
 Để làm được điều đó, chúng ta phải dấn thân, phải làm sao để mọi người nhận ra nơi bản thân chúng ta hoạt động của Thiên Chúa qua việc cầu nguyện, hy sinh cho nhiều người được nghe giảng, đón nhận và sống theo Tin Mừng. Đồng thời, đóng góp trí tuệ, tài năng, của cải, thời giờ và các phương tiện sẵn có vào công cuộc truyền giáo của Giáo Hội qua việc dạy giáo lý và các hoạt động xây dựng giáo xứ. Nói tóm lại, để có thể cộng tác vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa, mỗi người chúng ta phải sống sứ mạng ‘tiền hô’ và ‘chứng nhân’ của Chúa Giêsu Kitô trong môi trường sống của mình.





[1] http://www.trungtammucvudcct.com/web/bible.php?id=149. Truy cập ngày 20 tháng 5 năm 2016.
[2] “Lịch Sử Ơn Cứu Độ,” http://www.simonhoadalat.com. Truy cập ngày 13 tháng 7 năm 2016.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét