Thứ Hai, 28 tháng 11, 2016

Sư Phạm Giáo Lý Khối Sơ Cấp

BÀI 1

PHƯƠNG PHÁP HÀNG ĐỘI

VÀ NGHI THỨC CHÀO CỜ

Phương pháp hàng đội là một trong những phương thế hữu ích giúp con người biết giáo dục rèn luyện bản thân, biết cộng tác với nhau góp phần vào sự thăng tiến gia đình và xã hội. Men Phục Sinh sử dụng phương pháp hàng đội cũng nhằm tạo điều kiện cho các chủng sinh, nữ tu, ứng sinh và giáo lý viên biết tự đào tạo và cộng tác với nhau dấn thân vào việc thăng tiến giáo phận.
Phương pháp hàng đội, nghi thức chào cờ và các thế nghiêm tập sử dụng trong chương trình Men Phục Sinh được áp dụng theo chương trình chung của Phong trào Thiếu nhi Thánh Thể. Nhằm giúp các giáo lý viên thích ứng tốt hơn trong các sinh hoạt của thiếu nhi nơi các giáo xứ.

I. PHƯƠNG PHÁP HÀNG ĐỘI[1]

1. Khái niệm

Phương pháp hàng đội là phương pháp mà trong bất cứ một đoàn thể nào cũng đều buộc phải có. Hơn thế nữa, đơn vị đội lại cần phải được tự trị, tức là đội trưởng luôn luôn phải là người có quyền điều khiển và quyết định những vấn đề trong đội của mình. Biết cách tổ chức các sinh hoạt cho đội và cũng biết phân chia các nhiệm vụ cho từng đội viên của mình.
Phương pháp hàng đội đặt ra không phải để bớt công việc cho người Trưởng, nhưng cốt yếu là để cho mọi người biết gánh vác trách nhiệm, đây là phương pháp rất hữu ích để rèn tính khí con người.

2. Mục đích

Người làm trưởng không thể nào điều khiển nổi cả đoàn nên cần phải phân chia thành nhiều nhóm nhỏ gọi là đội. Trưởng không trực tiếp coi đội mà chỉ là hậu thuẫn. Phương pháp hàng đội nhằm những mục đích sau:
- Để các em tự giáo dục, học hỏi lẫn nhau.
- Giúp các em hiểu biết trách nhiệm của mình.
- Tập cho các em biết tôn trọng kỷ luật.
- Tạo tinh thần đoàn kết, xây dựng, làm việc tự nguyện.
- Giúp các em có cơ hội phát huy khả năng, đức tính của mình.

3. Thực hành

Để đạt được mục đích trên, Trưởng nên dựa theo những tiêu chuẩn sau:
Phân chia đoàn sinh nam nữ theo từng đội, mỗi đội từ 7 - 10 em, dưới sự điều khiển của một em trong đội gọi là đội trưởng. Sự phân chia nên theo tiêu chuẩn khu vực, lứa tuổi, trình độ học vấn…
Giao phó hoàn toàn trách nhiệm cho đội trưởng. Đội trưởng có toàn quyền, đội viên nên tuân phục.
Giao trách nhiệm nhưng không vì thế mà Trưởng để mặc cho đội trưởng một mình gánh vác. Trưởng phải theo dõi để giúp đỡ các đội trưởng qua những hình thức cá nhân và những buổi họp.
Phải năng gặp các đội trưởng để tìm hiểu, bổ khuyết và huấn luyện thêm cho họ.
Phải biết dùng tài và khả năng của đội trưởng vào đúng chỗ để mang lại kết quả. Khích lệ đội trưởng tham gia để tránh thái độ bất hợp tác và những hậu quả xảy ra không ngờ.
Trưởng là người đưa đường hướng và mục đích (có khuyến khích và khen thưởng) cho các hoạt động của đội.

II. NGHI THỨC CHÀO CỜ[2]

Giờ chào cờ là thời điểm khởi đầu cho một tuần học mới, một chủ điểm mới có tính chất định hướng tổ chức các hoạt động trong một tuần học mới, một khóa huấn luyện mới...
Giờ chào cờ có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục cho học sinh biết hướng lòng về Thiên Chúa, củng cố đức tin, bồi đắp lòng yêu mến Giáo Hội, lòng nhiệt huyết tông đồ, nâng cao kiến thức, rèn luyện kỹ năng sống, giá trị sống; tạo cho học sinh thêm gắn bó với tập thể; tạo tâm thế, động lực giúp các em hào hứng bước vào tuần học, khóa học mới.
Tham dự nghi thức chào cờ, mọi tham dự viên phải chào trong tư thế nghiêm.

1. Nghi thức chào cờ đơn giản (không có cột cờ)

Đoàn sinh tập họp hình chữ U. Người được chỉ định cầm cờ Phong trào (cờ đã mở sẵn) đứng ngay góc trái của đoàn sinh nhìn lên (bên cạnh đội phó của đội cuối cùng trong hình chữ U).[3]
Trưởng trực cho đoàn sinh chỉnh tề đồng phục, rồi ra thủ lệnh cho đoàn sinh đứng thế nghỉ. Sau đó, ra chào và mời các trưởng và quan khách vào trong đội hình.
Ổn định xong vị trí các trưởng và quan khách, Trưởng trực về vị trí của mình ở góc phải của đoàn sinh nhìn lên, phối hợp cùng một lúc với thủ lệnh nghỉ và hô khẩu hiệu: “Thiếu nhi” – Tất cả đáp lại: “Hy sinh” và đứng thế nghiêm. Trưởng trực ra lệnh cho đoàn sinh chào hàng trưởng và quan khách: “Chuẩn bị chào… chào!” Chờ hàng trưởng và quan khách chào lại xong, rồi tất cả bỏ tay xuống.
Sau đó, Trưởng trực mời các trưởng và quan khách hướng về phía cờ bằng câu ngắn gọn: “Nghi lễ chào cờ bắt đầu.” Đồng thời, người cầm cờ của Phong trào bước tới một bước (chân trái bước trước), tay phải đưa thẳng cờ lên cao và hạ xuống một góc 45 độ, mũi cờ hướng về góc đối diện bên trái, tay trái cầm cán cờ sát nách, lòng bàn tay úp xuống đất.
Trưởng trực hô: “Chào cờ… chào!” Tất cả cùng giơ tay chào (giữ im lặng từ năm đến 10 giây).
Trưởng trực hô: “Thôi!” tất cả cùng hạ tay xuống. Trưởng trực cất hát câu cuối của bài Tân Hành Ca: “Tuổi trẻ Việt Nam đem Chúa cho giới trẻ Việt Nam”, và tất cả cùng hát: “”Thiếu nhi Việt Nam đứng lên trong giai đoạn mới…”
Hát xong, Trưởng trực nói: “Lễ chào cờ chấm dứt.” Đồng thời, người cầm cờ nâng thẳng cờ lên cao rồi hạ xuống, dựng gốc cán cờ sát đất và tự động bước lùi về sau một bước, cầm cờ đứng ở thế nghiêm.
Trưởng trực mời cha tuyên úy, trợ úy… ban huấn từ hay đoàn trưởng... ra kể câu chuyện dưới cờ (không chào). Đồng thời, Trưởng trực ra thủ lệnh cho đoàn sinh đứng thế nghỉ.
Sau câu chuyện dưới cờ, đoàn sinh vỗ tay cảm tạ. Ngay sau đó, Trưởng trực bước ra cho một băng reo hoặc một bài ca thích hợp (nếu có khen thưởng thì làm lúc này).
Để kết thúc, Trưởng trực nói lời cám ơn ngắn gọn, rồi trở về vị trí của mình phối hợp cùng một lúc thủ lệnh nghỉ và hô khẩu hiệu: “Thiếu nhi” – Tất cả đáp lại: “Hy sinh” và ra lệnh cho đoàn sinh chào hàng trưởng và quan khách: “Chuẩn bị chào… chào!” Chờ hàng trưởng và quan khách chào lại xong, rồi tất cả bỏ tay xuống. Sau đó, Trưởng trực dặn dò những điều cần rồi cho giải tán.

2. Nghi thức chào cờ trọng thể (có cột cờ)

Trước khi nghi thức chào cờ bắt đầu, Trưởng trực ra lệnh cho đội trực rước cờ ra sân cờ và buộc sẵn vào cột cờ.
Trưởng trực tập họp đoàn sinh vào đội hình hàng chữ U, và nhắc chỉnh tề đồng phục. Chỉ định người kéo cờ và mời những người kéo cờ tiến đến trước cột cờ cách ba bước và chào cờ, rồi bước tới tháo dây cờ và đứng nghiêm đợi lệnh. Trưởng trực ra thủ lệnh cho đoàn sinh đứng thế nghỉ, rồi ra chào và mời các trưởng và quan khách vào trong đội hình.
Ổn định xong vị trí các trưởng và quan khách, Trưởng trực về vị trí của mình ở góc phải của đoàn sinh nhìn lên, phối hợp cùng một lúc với thủ lệnh nghỉ và hô khẩu hiệu: “Thiếu nhi” – Tất cả đáp lại: “Hy sinh” và đứng thế nghiêm. Trưởng trực ra lệnh cho đoàn sinh chào hàng trưởng và quan khách: “Chuẩn bị chào… chào!” Chờ hàng trưởng và quan khách chào lại xong, rồi tất cả bỏ tay xuống.
Sau đó, Trưởng trực mời các trưởng và quan khách hướng về phía cột cờ. Khi đã thấy mọi người hướng về phía cờ, Trưởng trực hô: : “Chào cờ … chào!” Tất cả cùng giơ tay chào (không hát), cờ bắt đầu được kéo lên. Khi cờ đã được kéo lên tới đỉnh cột, Trưởng trực hô: “Thôi”, tất cả cùng hạ tay xuống. Những người kéo cờ vẫn cầm dây cờ và đứng thế nghiêm.
Trưởng trực cất hát bài Quốc Ca và Tân Hành Ca. Hát xong, Trưởng trực nói: “Lễ chào cờ chấm dứt, xin mời các trưởng và quan khách hướng về đoàn sinh.” Cùng lúc đó, các người kéo cờ buộc dây vào cột cờ, xong rồi ra sắp hàng ngang trước cột cờ, đồng chào cờ rồi chạy vòng sau cột cờ ngược chiều kim đồng hồ để về vị trí hàng đội của mình.
Trưởng trực mời cha tuyên úy, trợ úy…ban huấn từ hay Trưởng ra kể câu chuyện dưới cờ (không chào). Đồng thời, Trưởng trực ra thủ lệnh cho đoàn sinh đứng thế nghỉ.
Sau câu chuyện dưới cờ, đoàn sinh vỗ tay cảm tạ. Ngay sau đó, Trưởng trực bước ra cho một băng reo hoặc một bài ca thích hợp (nếu có khen thưởng thì làm lúc này).
Để kết thúc, Trưởng trực nói lời cám ơn ngắn gọn, rồi trở về vị trí của mình phối hợp cùng một lúc thủ lệnh nghỉ và hô khẩu hiệu: “Thiếu nhi” – Tất cả đáp lại: “Hy sinh” và ra lệnh cho đoàn sinh chào hàng trưởng và quan khách: “Chuẩn bị chào… chào!” Chờ hàng trưởng và quan khách chào lại xong, rồi tất cả bỏ tay xuống. Sau đó, Trưởng trực dặn dò những điều cần rồi cho giải tán.





[1] “Phương Pháp Hàng Đội & Huấn Luyện Tông Đồ Đội Trưởng Đội Phó,” http://www.httntt.org. Truy cập ngày 12 tháng 7 năm 2015.
[2] Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam Tại Hoa Kỳ, Nghi Thức Thiếu Nhi Thánh Thể (Không Nơi  Xuất Bản, 2001), 56-58.
[3] Người trưởng trực là trung gian giữa ban điều hành và đoàn sinh để thi hành chương trình sinh hoạt.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét