This is default featured slide 1 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.This theme is Bloggerized by Lasantha Bandara - Premiumbloggertemplates.com.

This is default featured slide 2 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.This theme is Bloggerized by Lasantha Bandara - Premiumbloggertemplates.com.

This is default featured slide 3 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.This theme is Bloggerized by Lasantha Bandara - Premiumbloggertemplates.com.

This is default featured slide 4 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.This theme is Bloggerized by Lasantha Bandara - Premiumbloggertemplates.com.

This is default featured slide 5 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.This theme is Bloggerized by Lasantha Bandara - Premiumbloggertemplates.com.

Thứ Năm, 29 tháng 12, 2016

Bài Chia Sẻ Tại Đại Hội Giới Trẻ Giáo Hạt Chính Tòa 2016 - Lễ Thánh Gia Thất

Vì là Đại hội giới trẻ, cho nên sẽ thật là buồn cười và xa lạ nếu con xưng hô với cộng đoàn là quý cố ông bà... Vậy nên con xin các bậc cao niên, các đấng vị vọng cho phép con được gọi chung mọi người là "bạn", cho thân thương, gần gũi và trẻ trung. 
Các bạn thân mến.
Theo thông một kê mới đây người ta cho biết trên thế giới có khoảng hơn một tỉ người đang là công dân tiêu biểu của làng Face boock, trên đó người ta tham gia bàn tán, bình luận rất nhiều câu chuyện, rồi tham gia đủ các bang hội khác nhau: hội FA, FƠ; hội độc thân lắm chuyện; hội chán đời… bởi đó có người đã châm biếm rằng: lên non mới biết non cao – lên Face mới biết Face bao não phiền. Có người lên Face chỉ để đăng mỗi một vài từ: hu hu buồn, hu hu chán quá... để làm gì...? để câu like, để mong có ai đó thương hại cho 1… Like. Rồi thì  than thở theo kiểu: sáng nắng chiều mưa – trưa oi bức; nhiều lúc âm ấm – có lúc lại hâm hâm; nhiều khi ngồi lặng thầm mà miệng cười toe toét. Chúng ta có nhiều tâm trạng nhưng không biết chia sẻ cùng ai.
Một thực tế ta thấy rõ là con người ngày hôm nay đang dần đánh mất đi điều được gọi là văn hóa của sự gặp gỡ: trông anh, trông em thấy quen quen - mà hình như ta chưa gặp nhau bao giờ. Đứng trước sự phong phú của chợ đời, nhiều người không thể chọn cho mình một hướng đi, để rồi dấn thân giết chết thời gian vào những gêm-sâu, những trang mạng, những chiếu bài cờ bạc, xìke -matúy.
 “Dòng đời ngược xuôi, Chúa ơi con biết về đâu?” không phải ngẫu nhiên hay tình cờ mà linh mục nhạc sĩ Duy Thiên đã viết ra được những ca từ thâm thúy đến như thế. Nhưng đó là kết quả của một chuỗi suy tư về kiếp nhân sinh: “Dòng đời ngược xuôi, Chúa ơi con biết về đâu?” những ca từ này diễn cuộc sống nơi trần gian ngày hôm nay, một cuộc sống mà đủ thứ tân toan, lắng lo làm cho con người dễ mất phương hướng, làm cho con người không còn thời gian để sống cho các tương quan.
Các bạn thân mến.
Ở từng ngã rẽ cuộc đời, nơi được xem như những bước ngoặt để bạn và tôi lớn lên về thể lý, tâm lý và thiêng liêng, chúng ta đều phải lần lượt đối diện với câu hỏi quan trọng này: “Tôi phải làm gì?”
Lời đáp cho câu hỏi này đòi bạn và tôi khai phá, lắng nghe, tìm ra những việc làm cụ thể, phù hợp với giai đoạn sống mới thuộc về tương lai. Thế mà tương lai lại được ẩn dấu cách nhiệm mầu trong dự định của Thiên Chúa, Đấng chúng ta tin yêu. Dưới lăng kính của đức tin, câu hỏi: “Tôi phải làm gì?” không đứng trơ trọi một mình, hay được hỏi do một con người cũng một mình trơ trọi, nhưng câu hỏi ấy đã có Chúa là Đấng chúng ta gửi về, để bây giờ nó trở thành: “Lạy Chúa, con phải làm gì?” đây là câu hỏi ban tổ chức đã chọn làm chủ đề ngày hôm nay.
Để trả lời được câu hỏi mấu chốt trên đây, chúng ta hãy chiêm ngắm một gia đình mà các thành viên toàn là thánh, là đại thánh. Đó là Gia Đình Thánh Gia mà hôm nay chúng ta mừng kính.
Trước hết ta nhìn vào thánh Giuse. 
Thánh Kinh đã mô tả Ngài là một người công chính, luôn sống theo lề luật và thực thi thánh ý Thiên Chúa. Còn gì đau khổ cho bằng một người chồng thấy vợ mang thai mà không do hành vi của mình. Giuse đã tuân phục lệnh truyền của sứ thần đem Hài Nhi Giêsu trốn sang Ai Cập với bao nhiêu vất vả và khó nhọc nơi đất khách quê người. Giuse đã tuân giữ mọi lề luật, đã hiến trọn cuộc đời mình để đáp lại, để thi hành thánh ý Thiên Chúa.
Với tư cách là một người Mẹ, 
Đức Maria cũng dành trọn cuộc đời của mình để vuông tròn thánh ý Thiên Chúa. Cuộc sống của mẹ được dệt nên bởi những giai điệu của tiếng xin vâng. Mẹ xin vâng để đón nhận con Thiên Chúa vào lòng, Mẹ xin vâng để chấp nhận những đau khổ và khó khăn trong cuộc sống, và cuối cùng là tiếng xin vâng khó khăn và đớn đau bên thập giá. 
Đức Maria đã buông lỏng cuộc đời mình, hoàn toàn phó tác để Thiên Chúa dẫn đưa cuộc sống của Mẹ.
Còn Đức Giêsu mời gọi ta đi vào một chiều kích mới mẻ hơn giữa Thiên Chúa và con người.
Ta nhận thấy ở đây trong gia đình Thánh Gia có một sự đảo lộn đáng suy nghĩ: Trước mặt người đời, trước luật pháp Dothái thì thánh Giuse là chủ, rồi đến Mẹ Maria và sau cùng là Chúa Giêsu. Nhưng trước mặt Thiên Chúa, thì trước hết là Chúa Giêsu, rồi đến Mẹ Maria, và sau cùng là thánh Giuse. Thế nhưng, Chúa Giêsu vẫn vui vẻ vâng lời và đón nhận những lời chỉ bảo hai đấng. Trong thông điệp Giáng Sinh 2016, Đức thánh cha viết rằng: Quyền bính của hài nhi này, là Con Thiên Chúa và Con của Mẹ Maria, không phải là thứ quyền bính của thế gian, dựa trên sức mạnh và sự giàu có; nhưng là quyền bính của tình yêu. Đức Giêsu hiểu rằng Ngài cũng có một sứ mạng, đó chính là chu toàn thánh ý Chúa Cha. 
Vậy thì thưa các bạn: Khi chiêm ngắm gia đình Thánh Gia, chúng ta nhận ra rằng có một sợi chỉ đỏ xuyên suất đó là sự vâng phục thánh ý Thiên Chúa. Điều làm cho gia đình này trở nên linh thánh chính là sự hiện diện của Thiên Chúa và ý định của Ngài được thực hiện ở trong gia đình.
Chúng ta cũng hãy bắt trước các thành viên của gia đình Thánh Gia, là biết phó thác cuộc đời cho Chúa, để từng phút giây cuộc sống biết đón nhận và thực thi thánh ý của Thiên Chúa.
Là người chồng người cha – người vợ người mẹ trong gia đình hãy nhìn vào gương của thánh Giuse và Đức Maria để biết chăm lo cho gia đình, để sống tròn trách nhiệm làm cha làm mẹ.
Đặc biệt là những người trẻ. Chúng ta hãy nhìn vào chính Chúa Giêsu. Ngài là Thiên Chúa quyền năng ấy vậy mà ngài vẫn lắng nghe lời dạy bảo của thánh Giuse và Mẹ Maria là những con người. Còn chúng ta có là gì đâu, chỉ là những đứa trẻ bắt đầu bước vào trong cuộc đời. vậy mà nhiều khi chúng ta lại trách mắng cha mẹ là quê mùa, nỗi thời, bảo thủ. Chúng ta không có để tâm đến những lời bảo ban của cha mẹ, chúng ta đặt tất cả hy vọng sự hiểu biết của mình vào ông Google.
Các bạn thân mến dẫu cuộc đời hôm nay vẫn còn đó muôn ngàn sự ngang trái, dẫu cuộc đời vẫn còn đó muôn ngàn sự bất công, mà theo chúng ta đáng ra phải như thế này, lẽ ra phải như thế kia,... chúng ta được gọi mời hãy vượt ra khỏi những lối sống bon chen, tầm thường để sống cho cao đẹp hơn, để sống cho ra lý tưởng hơn, để rồi nắm lấy tương lai của Giáo Hội và vận mệnh của thế giới.
Cầu chúc các bạn luôn bình an và thành công trong cuộc sống.
Jos.MiKe

Thứ Bảy, 24 tháng 12, 2016

Thư Chúc Mừng Giáng Sinh 2016 của Đức TGM. Giuse Nguyễn Chí Linh

THƯ CHÚC MỪNG GIÁNG SINH
CỦA ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC GIUSE NGUYỄN CHÍ LINH
GIÁM QUẢN GIÁO PHẬN THANH HOÁ

Toà Giám mục Thanh hoá ngày 19-12-2016

Anh chị em thân mến,

Trước khi gửi đến anh chị em lời cầu chúc Giáng Sinh, tôi xin chính thức thông báo để anh chị em được rõ : ngày 29-10-2016 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm tôi làm Tổng Giám mục giáo phận Huế. Ngày 12-01-2017, tôi sẽ chính thức ra mắt cộng đoàn Dân Chúa tổng giáo phận Huế. Anh chị em cũng biết đây là một trọng trách nặng nề và lớn lao. Xin anh chị em hiệp ý cầu nguyện cho tôi can đảm chu toàn sứ mệnh theo Thánh Ý Thiên Chúa. Đức Thánh Cha cũng bổ nhiệm tôi làm giám quản giáo phận Thanh hoá. Có nghĩa là trong khi chờ đợi người kế vị tại Thanh hoá, tôi vẫn tiếp tục phục vụ Thanh hoá trong tư cách giám quản. Dù sẽ phải thường xuyên lui tới làm việc cùng lúc tại hai giáo phận ít nhất trong một năm, tôi vẫn còn cơ may được ở bên cạnh anh chị em trong mùa Giáng Sinh này. Tâm trạng của tôi bây giờ là vừa trông cho Thanh hoá mau có Đức cha mới, vừa muốn ở lại Thanh hoá được càng lâu càng tốt. Chúng ta là con người nên xa cách là điều chẳng ai muốn. Nhưng theo tinh thần của Chúa (Ga 16,7) xa cách lại trở thành cơ may để chúng ta có một mối lợi lớn hơn.

Và thưa anh chị em,

Ý tưởng đó rất phù hợp với mùa Noel và với lời cầu chúc tôi muốn gửi đến anh chị em. Chúa Cứu Thế sinh ra trong một đêm tăm tối mịt mù. Đêm tối vừa tượng trưng cho sự bất lực của người chờ sáng, nhưng đêm tối cũng hứa hẹn một ánh bình minh huy hoàng, rực rỡ. Cũng vì thế mà đêm Giáng Sinh cũng được gọi là "đêm thánh vô cùng" như chúng ta vẫn thường hát. Đêm Chúa ra đời chính là đêm Ngài trực tiếp can thiệp vào lịch sử nhân loại để đem ơn cứu độ cho chúng ta. Đó là đêm mà sau những giờ phút chờ đợi căng thẳng, các cô trinh nữ sẽ tràn trào niềm vui được đón tiếp "chàng rể".

Tôi cầu chúc anh chị em vượt qua đêm dài của buồn phiền tăm tối cuộc đời. Tôi cầu chúc anh chị em thành công trong việc giải phóng linh hồn khỏi tội lỗi. Tôi cầu chúc anh chị em cảm nhận được hơi ấm của Chúa Hài Đồng. Tôi cầu chúc anh chị em đầm ấm sum vầy với gia đình, với cộng đoàn giáo họ, giáo xứ và giáo phận trong Niềm vui đón mừng Chúa Giáng Sinh.

Tôi cũng xin vui mừng báo tin cho anh chị em : năm 2017 là năm thánh kỷ niệm 85 năm thành lập giáo phận. Đây là dịp để giáo phận chúng ta tạ ơn Chúa đã đưa dẫn chúng ta vượt qua muôn vàn khó khăn quá khứ và cầu xin Ngài tiếp tục phù hộ chúng ta tiếp tục tiến bước bình an. Chủ đề của năm thánh là "hãy ra chỗ nước sâu" (Lc 5, 4). Theo lệnh Chúa Giêsu trong câu Tin Mừng ấy, chúng ta sẽ quan tâm đặc biệt đến sứ mệnh truyền giáo, sẽ hăng hái lên đường rao giảng Tin Mừng của Chúa cho những ai chưa biết Ngài. Tôi cầu chúc anh chị em tràn đầy nhựa sống tinh thần lẫn thể xác, để anh chị em có một năm thánh tuyệt vời.

Ngày 04-01-2017 Dương lịch, vào lúc 8g sẽ có thánh lễ khai mạc năm thánh tại nhà thờ chính toà Thanh hoá. Tôi tha thiết mời gọi anh chị em thu xếp thời gian để về chia sẻ tình hiệp thông giáo phận trong biến cố đặc biệt này. Tôi cám ơn và hẹn gặp lại anh chị em.   

Thân ái trong Chúa Kitô
  
Giuse Nguyễn chí Linh
Tổng Giám mục giáo phận Huế
Giám quản giáo phận Thanh hoá

Đc Giuse Nguyễn Chí Linh: Bài Giảng Lễ Vọng Giáng Sinh 2016

Thưa quý ông bà và anh chị em,

Một lần nữa, nhà thờ công giáo lại được hân hạnh đón tiếp quý vị về chung chia niềm vui Giáng Sinh. Trong số những người có mặt, tôi nhận thấy giới trẻ là thành phần đông nhất, nhưng ngoài ra còn có cả những bậc cao niên đáng kính mà lẽ ra tôi phải gọi là ông là bà, là chú là bác. Nhưng đêm hôm nay, xin cho phép tôi được gọi chung mọi người là "bạn", bởi vì đối với tôi, chữ "bạn" vừa gần gũi, vừa trẻ trung, vừa bình đẳng, lại vừa dễ xưng hô.

Thưa các bạn. Theo kinh nghiệm những năm trước, vào giờ này trên toàn tỉnh Thanh hoá, nhà thờ nào cũng chật ních người. Đa số đều là người khác đạo nên có lẽ các bạn cũng thắc mắc không biết đạo công giáo là đạo gì. Đạo phật tin Đức Thích-Ca Mâu-Ni, đạo Hồi tin Đức Ma-hô-met, còn người công giáo thì tin ai ? Tại sao lại làm hang đá vào dịp Noel ? Hài nhi trong hang đá kia là ai?

Để trả lời, tôi xin bắt đầu bằng một câu hỏi rất đơn giản : bạn có biết vũ trụ trời đất này bao nhiêu tuổi rồi không ? 15 đến 20 tỷ năm đấy, thưa các bạn. Thế mà từ ấy đến nay, hàng ức triệu ngôi sao bạn thấy ban đêm, mặt trời, núi non sông biển bạn thấy ban ngày, tất cả đều vận hành một cách đều đặn trung thành và kỳ diệu. Cây quýt bạn thấy năm nay, sang năm nó vẫn là cây quýt và nghìn năm sau loài quýt vẫn là loài quýt. Ai là người đặt ra quy luật để bảo đảm sự tồn tại của chúng như thế ? Bạn có nghĩ rằng phải có một Đấng Tạo Hoá đã dựng nên và làm chủ mọi sự mọi loài không ?

Những câu hỏi đó không chỉ là thắc mắc của chúng ta. Các nhà bác học cũng đặt ra câu hỏi đó y như bạn và tôi. Đây là điều có lẽ bạn không ngờ : hầu hết các nhà bác học lừng danh trong thời đại chúng ta đều tin Thiên Chúa.

Trên một chuyến xe lửa ở Paris thủ đô nước Pháp, một cậu sinh viên cảm thấy khó chịu vì cụ già ngồi bên cạnh cứ lâm râm đọc kinh. Cậu hất hàm hỏi : "Này cụ, thời buổi khoa học kỹ thuật bây giờ mà cụ còn tin những điều nhảm nhí ấy à?" Cụ già thản nhiên trả lời: “Đúng vậy, tôi vẫn tin. Còn cậu, cậu không tin sao?” Cậu ta xấc xược trả lời: “Lúc nhỏ cháu có tin, nhưng bây giờ khoa học đã mở mắt cho cháu rồi. Cụ hãy tìm hiểu những khám phá mới của khoa học, cụ sẽ thấy những gì cụ tin đều là nhảm nhí.” Cụ già nhỏ nhẹ : “Vậy cậu có thể giúp tôi không”? “Vâng, cụ cứ cho cháu địa chỉ, cháu sẽ gởi sách cho cụ đọc".

Cụ già từ từ đưa tay vào túi rút ra một tấm thẻ : "Đây địa của tôi đây!" Vừa liếc mắt, cậu sinh viên tái mặt. Không ngờ đó chính là nhà bác học lừng danh Lu-i Pas-tơ (Louis Pasteur), người đã khám phá ra vi trùng, và nhờ đó đã sáng chế được cách khử trùng, tiêm chủng v.v...

Không phải chỉ mình nhà bác học Lu-y Pás-tơ đâu thưa các bạn. 92% các nhà khoa học được giải Nobel đều tin vào Chúa. Niu-tân (Newton), người khám phá ra lực hút quả đất, Phờ-lem-minh (Fleming), người phát minh ra thuốc kháng sinh, Anh-xơ-tanh (Einstein) bác học nổi tiếng nhất của thế kỷ 20, Vông-brao (Von Braun) nhà bác học không gian...tất cả đều tin Thiên Chúa.

Thưa các bạn. Thiên Chúa của người Công giáo cũng chính là Thiên Chúa mà các nhà bác học và của trên hai tỉ người, của một phần ba nhân loại. Và còn kỳ diệu hơn nữa, Thiên Chúa đó không chỉ là Thiên Chúa đã tạo dựng trời đất mà còn là Thiên Chúa của Tình Yêu.

Cách đây không lâu, dưới đáy biển nước Ái-nhĩ-lan, một nhóm thợ lặn đã phát hiện một con tầu bị đắm đã trên 400 năm. Một trong những kho tàng họ tìm được là một chiếc nhẫn cưới cực kỳ xinh đẹp. Trên mặt nhẫn có khắc hình một bàn tay đang ân cần nâng niu một trái tim, bên dưới trái tim có khắc hàng chữ : "Em không còn gì hơn để tặng anh” (I have nothing more to give you). Mọi người có mặt đều xúc động, cho rằng đó là món quà giá trị nhất trong con tầu.

Thưa các bạn, đối với người đã tặng chiếc nhẫn, tình yêu là món quà quý giá nhất trên cõi đời này. Nhưng xét cho cùng, chiếc nhẫn đó cũng chỉ là kỷ vật của một con người tặng cho một con người.Hài nhi đang nằm trong máng cỏ kia hoàn toàn khác. Đó là tặng phẩm của một vì Thiên Chúa từ trên cao ban xuống cho nhân loại. Đó chính là Đức Giêsu. Chẳng những Ngài được ban xuống từ trời mà còn trở thành một con người. Hang đá bạn thấy tại các nhà thờ công giáo bây giờ, chỉ là hang đá trang trí. Nhưng hang đá thật ngày xưa nơi Chúa sinh ra, là hang đá dành cho thú vật hôi hám bẩn thỉu. Ngài sinh ra nơi tối tăm như thế vì Ngài muốn trở thành người hèn mọn nhất trong nhân loại. Rồi sau này lớn lên, đi giảng đạo nay đây mai đó không tiếc gì thân mình, và cuối cùng đã chết treo thây trên thập giá. Thập giá là biểu tượng và tột đỉnh của tình yêu. Thiên Chúa đã chết để con người được cứu độ. Tất cả vì yêu thương và để yêu thương.

Tiếc là tôi không có nhiều thời gian để giải thích cách cặn kẽ cho bạn. Tôi xin khép lại bài chia bằng ý tưởng này : Vì Thiên Chúa là Tình yêu nên tất cả những ai tin vào Ngài cũng phải đi con đường tình yêu. Có thể người công giáo sống chưa đạt đạo, chưa thể hiện được tình yêu. Nhưng họ vẫn phải phấn đấu để mỗi ngày một yêu hơn, yêu Chúa và yêu người, yêu mãi, yêu không phân biệt thành phần xã hội, yêu ưu tiên những người cùng khổ, yêu cả kẻ thù....

Một hôm có một cậu bé năm tuổi hỏi bố rằng : “Bố ơi! bố đi làm mỗi giờ được bao nhiêu tiền?”. Ông bố ngạc nhiên : “Ô hay, cả mẹ con cũng không dám hỏi câu ấy. Sao con bạo thế ? Thôi nào! bố mới đi làm về, để cho bố nghỉ. Con đi chỗ khác chơi đi.” Cậu bé không nao núng : “Bố không nói con không đi?” Bố hậm hực : “Thôi được, mỗi giờ hai mươi đồng, đừng hỏi lôi thôi nữa ?”. Quái thật, cậu con vẫn nói : “Vậy bố cho con mượn mười đồng đi”. Bố không nhịn được nữa: “À ra thế? Thôi đi ngủ đi. Mai tính”. Cậu bé đành lủi thủi vào giường.

Đêm hôm ấy, ông bố trằn trọc vì hối hận. Ông tự nhủ : "Con nó còn bé đâu đã biết gì mà mình nỡ nặng lời với nó thế?". Ông đến bên giường thỏ thẻ làm hoà với con : "A ha! Con ngủ chưa? Bố có 10 đồng cho con rồi đây!". Cậu bé thoăn thoắt moi trong gối ra một tờ giấy bạc : "Hoan hô bố! Hoan hô bố! Vậy là con có đủ 20 đồng rồi. Bố bán cho con một giờ của bố đi!" Bố trào nước mắt vì thương con. Hoá ra không phải nó cần tiền. Nó chỉ cần bố quan tâm. Từ đó, dù bận rộn đến mấy, hàng ngày bố dành ra một giờ để chơi với con.

Thưa bạn. Tình yêu có khi chỉ đơn giản thế thôi. Với một tí quan tâm, bạn có thể yêu thương mọi người cách dễ dàng.

Trong tâm tình đó, tôi cầu chúc bạn một mùa Noel thật ý nghĩa. Noel là lễ của hoà bình. Tôi cầu chúc xã hội Thanh Hoá sạch bóng hận thù oán ghét, để Thanh hoá trở thành quê hương của con tim và lòng nhân ái. Noel là lễ của Tình Yêu. Tôi cầu chúc gia đình mọi người thực sự là mái ấm êm đềm yêu thương. Ông già Noel là biểu tượng của may mắn và lòng quảng đại. Tôi cầu chúc mỗi người chúng ta trở thành quà tặng cho nhau trong mọi tình huống vui buồn sướng khổ. Và cuối cùng, Noel là lễ của cây thông, vẫn xanh thật xanh ngay cả khi thời tiết nghiệt ngã. tôi cầu chúc sự nghiệp và nghị lực của bạn lúc nào cũng tràn trề nhựa sống.

Sau thánh lễ này, không biết chúng ta còn dịp gặp nhau nữa không. Vậy tôi xin mượn cơ hội này để gửi đến bạn lời chúc tốt đẹp nhất cho một năm Dương lịch và một năm Đinh Dậu đang tới : chan hoà hạnh phúc, dư tràn ân lộc và khang an trường thọ. Chúng ta hãy hứa với nhau rằng dù ở đâu, chúng ta vẫn luôn gần gũi nhau trong cuộc chiến tình yêu : tất cả vì hạnh phúc của đồng loại.

Xin cám ơn các bạn.

Thứ Tư, 21 tháng 12, 2016

Hình Ảnh TGM Thanh Hóa Thăm Các Bệnh Nhân Phong Tại Trung Tâm Điều Dưỡng Cẩm Thủy


Sáng Thứ Tư, ngày 21/12/2016. Phái đoàn Tòa Giám Mục Thanh Hóa gồm 90 thành viên do cha Giuse Nguyễn Đức Thanh - Bề trên chủng viên Lê Bảo Tịnh Thanh Hóa làm trưởng đoàn. cùng đi với ngài có quý cha trong ban thường vụ chủng viện; quý thầy; quý chú ứng sinh; quý sơ thuộc hai hội dòng Mến Thánh Giá Thanh Hóa và dòng thánh Phaolô; cùng với các bạn sinh viên đã lên đường đến gặp gỡ chia sẻ niềm vui và trao quà Giáng Sinh cho các bệnh nhân tại Trung Tâm Điều Dưỡng Bệnh Phong Cẩm Thủy. 
Được biết hiện tại có 34 bệnh nhân đang điều trị tại đây.
Cha bề trên Giuse đã thay lời cho mọi người trong phái đoàn  thăm hỏi, động viên, chúc mừng Giáng Sinh - Năm Mới 2017 và trao quà cho các bệnh nhân.
Sau khi trao quà xong, mọi người cùng ăn bữa chung với nhau và giao lưu văn nghệ hát Mừng Giáng Sinh. 
Kế đến là các thành viên trong đoàn đã đến tận nơi các bệnh nhân ở để giúp quét dọn nhà ở, trang hoàng lại những công việc mà các bệnh nhân không thể tự mình làm được.
Sau khi hoàn tất các công việc phái đoàn trở về với tòa giám mục, trong người ai ai cũng cảm nhận được niềm vui vì mình đã làm được một công việc tốt đẹp.

 Đức Tổng Giuse Nguyễn Chí Linh - trao quà Giáng Sinh cho các thành viên của phái đoàn.

Đặt chân đến trung tâm điều dưỡng. 

Gặp gỡ các bệnh nhân.


                                                      Trao quà cho các bệnh nhân





 Đại diện bệnh nhân cảm ơn phái đoàn

Cùng ăn bữa trưa với các bệnh nhân 



 Giao lưu văn nghệ






 Giúp các bệnh nhân đưa quà về gia đình, giúp dọn dẹp nhà ở







Jos.MiKe

Thứ Hai, 19 tháng 12, 2016

Suy Niệm: Tin Mừng Lễ Giáng Sinh 2016

Người ta kể rằng: Có một đoàn thám hiểm tình cờ khám phá ra ở trong dãy núi nơi vùng hẻo lánh có một công trình, đó là những bậc thang bằng đá do chính con người làm nên. Lần dò theo những bậc tam cấp người ta đếm được 6000 bậc. Lên đến đỉnh cao chót vót thì tình cờ gặp một gia đình sinh sống ở đây, cụ ông đã gần 70 tuổi, cụ bà đã gần 80, cùng với 6 người con.
Đoàn thám hiểm rất ngỡ ngàng, không hiểu tại sao trong cái nơi xa xôi trắc trở như thế lại có những con người sống tách biệt ra khỏi thế giới như vậy.
Sau khi tìm hiểu, người ta mới khám phá ra rằng cách đây 50 năm, lúc bấy giờ ông cụ là một anh thanh niên 19 tuổi yêu một cô gái hơn mình 10 tuổi, đã có một đời chồng và một đứa con gái. Gia đình, làng xóm người ta không thể chấp nhận một mối tình ngang trái như thế.
Thế là đôi nam nữ ấy đã dẫn nhau vào trong dãy núi để sống cho tình yêu của riêng họ. Chàng trai với sức trai tráng của mình, anh đã đẽo những bậc tam cấp bằng đá với mục đích là để vợ mình đi lên xuống được dễ dàng. Suốt 50 năm miệt mài người thanh niên ấy đã đục đẽo được 6000 bậc tam cấp.
Cộng đoàn phụng vụ thân mến, câu chuyện trên đây nói với chúng ta rằng khi có một tình yêu đủ lớn thì người ta sẽ có những sáng kiến, và những khả năng kỳ lạ mà đôi khi bình thường chúng ta không có được. Thực thế, khi yêu thương ai chúng ta muốn được ở gần người đó để hàn huyên tâm sự, để sẻ chia đồng cảm và để sống cho cuộc sống của nhau. 
Hiểu theo chiều hướng này thì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta bằng một tình yêu không bờ không bến, Ngài đã đi con đường dài nhất, con đường từ vô biên đến hữu hạn, con đường từ trời xuống đất, con đường từ một Thiên Chúa toàn năng đến ở cùng với những kẻ nghèo hèn. Ngài đã đến với con người, đụng chạm đến mọi nỗi chuôn chuyên của phận người và để ban cho chúng ta một niềm vui lớn lao đó là niềm vui ơn cứu độ: Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta (Ga 1,14); “Kìa ơn cứu độ đang đến, kìa phần thưởng của Ngài theo sát một bên” (Is 62,11).
Trong đêm giáng sinh và khắp các mùa giáng sinh  bản tình ca khúc bất hủ với những ca từ rất ư là giàu hình ảnh, giàu ý nghĩa không ngừng được vang lên: Đêm thánh vô cùng, giây phút tưng bừng, đất với trời xe chữ đồng. Chữ đồng đầu tiên mà chúng ta có thể cảm nghiệm trong màu nhiệm nhập thể của Con Một Thiên Chúa, từ địa vị là Thiên Chúa nơi trời cao – Ngài đã trở nên người phàm và cùng chia sẻ kiếp sống với muôn vàn bất trắc, trái ngang với con người. Thiên Chúa không phải là một Đấng ở xa tít mù khơi, Ngài không phải là Đấng ở nơi cao ròm xuống nhưng là ở bên chúng ta, ở bên chúng ta đồng cảnh với chúng ta để sẻ chia, để cảm thông, để trở thành một bạn hữ thân tình với chúng ta.
Thiên Chúa đã làm người và ở giữa chúng ta. Thiên Chúa không chỉ đồng cảnh với thân phận của con người, nhưng khi vào trần gian Ngài còn trở nên đồng phận. Ngài là Thiên Chúa, từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời, nhờ Lời mà muôn vật được tạo thành, không có Lời thì không có gì được tạo thành. Vậy mà giờ đây trong mầu nhiệm Nhập Thể Ngài trở nên đồng phận với chúng ta. Ngài đón nhận dòng sữa nuôi dưỡng nơi Đức Maria, đón nhận sự trở che của thánh Giuse.
Chúa đồng cảnh, Chúa đồng phận với con người để làm gì vậy nếu không phải là để đồng hành với nhân loại này. Từng bước chân siêu vẹo của phận người có Đức Giêsu, từ những lối lắng lo khốn khổ của phận người có Đức Giêsu. Ngài chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với chúng ta.
Cộng đoàn thân mến, giữa những ồn ào náo nhiệt tưng bừng rất dễ cuốn lôi chúng ta vào vòng xoáy của cách sống hời hợt bề ngoài. Bởi vậy, chúng ta phải tỉnh thức, hãy biết dành những khoảng lặng, những phút giây trầm lắng trước hang đá để có thể cảm nghiệm được sứ điệp của tình thương của Thiên Chúa, để có thể nhận ra được Chúa đồng hành với chúng ta trong cuộc đời, để giờ đây chúng ta có thể cùng với nhau và cùng với Chúa đồng thanh tán dụng Danh Chúa, ca khen tình thương của Ngài. Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.
Jos.MiKe

Suy Niệm: Tin Mừng Lễ Giáng Sinh - 2015


Kính thưa quý cố ông bà và anh chị em!
Từ mấy ngày qua chúng ta đang được sống trong bầu khí Noel thật náo nhiệt. Náo nhiệt bởi dòng người đi lại trên phố, và nhất là tại tòa giám mục - trung tâm giáo phận. Náo nhiệt bởi những bài hát thánh ca giáng sinh rộn ràng khắp không gian. Náo nhiệt bởi ai ai cũng rạng rỡ nụ cười và trao cho nhau những món quà với lời chúc giáng sinh an bình.
Giờ phút này, chúng ta quy tụ bên nhau để cùng cảm tạ Thiên Chúa, vì yêu thương Ngài đã ban cho chúng ta chính con một Ngài. Đây là món quà cao quý nhất mà Thiên Chúa đã tặng ban cho nhân loại.
Trong các mối tương quan đời sống, khi tặng quà cho ai là nói lên sự trân trọng quý mến đối với người đó. Có thể là những món quà rất đơn sơ, nhưng đều diễn tả tấm lòng của người tặng. Thường, khi nói đến quà tặng, chúng ta nghĩ ngay đến vật chất, tiền bạc ‘phong bì’,… Điều đó không sai, nhưng khái niệm ‘quà tặng’ cần được hiểu rộng rãi và sâu xa hơn. Quà có thể là tiền bạc, đồ dùng, nhưng cũng có thể là lời nói yêu thương, một nụ cười cảm thông, một cái bắt tay chân thành,…
Vượt trên sự thường ấy, Thiên chúa ban tặng cho thế gian một món quà diệu vời, đó chính là Đức Giêsu Kitô - Con Một Người. Đây là món quà lớn nhất, đây là món quà quý giá nhất mà Thiên Chúa đã thông ban: Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.
Có thể nói: Đức Giêsu Kitô là món quà ấy, là sự trao ban tình yêu cho chúng ta, để nhờ đó chúng ta được tham dự vào tình yêu của Đấng sáng tạo, món quà ấy đã đi ra khỏi địa vị Thiên Chúa, đến đồng cảm với mọi chuân chuyên của kiếp người và món quà ấy chính là sự bình an, niềm vui và có sức cứu độ thế giới: Từ nguồn sung mãn của người, chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác.
Thiên Chúa đã đến với con người qua con người. Người không đi trực tiếp như một cú sét ngang trời, hay đến với mỗi người một cách riêng biệt. Trái lại, Người muốn xây dựng lịch sử trong khung trời rộng lớn của cuộc sống, mà nơi đó Đức Giêsu hiện diện để người này là quà tặng cho người kia, người kia là quà tặng cho người này và để cho chúng ta trở nên quà tặng cho nhau.
Quà, Thiên Chúa đã gửi đến vấn để là chúng ta có mở lòng ra đón nhận hay không? Chúng ta cứ hát hoài, hát mãi: Vinh Danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm. Nhiều người hỏi rằng tại sao dưới thế vẫn mãi không có đủ bình an? Tại sao Chúa đã đến bao nhiêu năm rồi mà hàng ngày chúng ta vẫn cứ phải xin cầu nguyện, xin lễ cho được ơn bình an. Tôi nghĩ rằng câu hỏi trên đây cần phải đổi lại, chúng ta phải hỏi rằng: chúng ta đã có thiện tâm chưa? Chúng ta đã là người thiện tâm hay chưa? Để xứng đáng được hưởng sự bình an của Chúa. Chúng ta kêu, chúng ta xin, chúng ta trách nhưng chính trong lòng chúng ta chưa là người chứng nhân: “lời nguyện cầu Chúa có nghe không, sao bây giờ mình hoài xa vắng”. Con thiết nghĩ rằng chúng ta chưa thiện tâm, thì đừng mong sự bình an của Chúa: Người đã đến nhà mình nhưng người nhà chảng chịu đón nhận.
Kính thưa cộng đoàn, trong cuộc đời, mỗi chúng ta, chắc hẳn ai ai cũng đã hơn một lần cảm nghiệm được niềm vui bởi những món quà mang lại. Nếu người nhận được hưởng niềm vui vì có quà, thì người tặng lại có niềm vui vì thấy món quà của mình đem lại hạnh phúc cho người khác. “cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35). Triết lý của sự chia sẻ là vậy.
Con thiết tưởng rằng, cuộc đời sẽ đẹp hơn nếu biết bỏ đi những giận hờn ghen ghét để mang an bình hạnh phúc cho nhau. Cuộc đời sẽ tươi hơn nếu ai cũng sẵn lòng trao ban tình thương tha thứ cho nhau chứ không nuôi dưỡng hận thù. Và mùa Noel sẽ ấm áp hơn khi mọi người biết trao ban yêu thương.

Ước gì hôm  nay, chúng ta nhận ra được giá trị của món quà Giêsu. Ước gì hôm  nay là ngày chúng ta quay lưng lại với quá khứ tối tăm, tội lỗi. Ước gì từ đây, mọi suy nghĩ, mọi hành động của chúng ta, tất cả đều có thể trở nên quà tặng được trao cho nhau với trái tim yêu thương và cõi lòng rộng mở chân thành.
Nguyện xin món quà Thiên Chúa ban tặng là Đức Giêsu Kitô trở thành bệ phóng đưa chúng ta bay cao hơn, vươn xa hơn trong sứ mạng cứu độ. Nguyện xin món quà Thiên Chúa ban tặng là Đức Giêsu Kitô trở thành nguyên lý hợp nhất những khác biệt giữa chúng ta, để chúng ta nên một lòng một ý mà cảm tạ tri ân Thiên Chúa.
Jos.MiKe


Suy Niệm: Tin Mừng Chúa Nhật IV Mùa Vọng A


Người ta vẫn nói rằng: để độ thế Thiên Chúa đã nhập thể, và để cứu người thì Thiên Chúa đã làm người.

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ! Đang khi người Dothái đang mải mê mong chờ một vì Thiên Chúa ở trên cao, dường như họ còn đang say xưa về một Đấng ở rất xa con người và trong niềm mong chờ Đấng cứu thế vốn là một mạch sống hy vọng cho cả dân tộc. Họ tưởng nghĩ là Thiên Chúa sẽ đến trong một hình dạng oai phong lẫm liệt.
Có ngờ đâu Thiên Chúa lại đến bằng cách thức rất và rất ư là khác với suy nghĩ, dự đoán của con người. Người đến thật gần trong thân phận con người giữa muôn người trần thế. Người đến thật thấp, thấp đến nỗi chấp nhận được cưu mang bởi người trần và để rồi chấp nhận được sinh ra và cư ngụ giữa con người.
Bằng tình yêu cứu độ Thiên Chúa trao thân cho chúng ta để qua tình yêu ấy con người lại gửi phận mình cho Thiên Chúa. Chúng ta thấy rõ điều đó nơi thánh Giuse - Đức Maria.
Với hai tiếng xin vâng Mẹ đã gửi trọn phận mình vào trong Thiên Chúa. Đó là một sự liều lĩnh có thể phải trả giá bằng chính mạng sống, bằng danh dự của mình, Mẹ chấp nhận có thể bị chà đạp, mất mát.
Còn với thánh Giuse, một con người lặng thầm bậc nhất trong mùa vọng. Ấy vậy mà trước lúc Đấng cứu thế hạ sinh, Giuse đã bị đặt vào một tình huống khó xử đến mức phải ray rứt trong lòng như Tin Mừng đã trình bày cho chúng ta.
Nhưng qua những chọn lựa có thể nói là xé lòng ấy Giuse đã chứng mình nét đẹp về một tình yêu cao cả, Giuse đã can đảm đón nhận Maria về nhà mình.
Bằng tình yêu trong sáng đã liên kết Đức Maria và thánh Giuse để mái nhà chung sống của các ngài trở nên một mái ấm của những tấm lòng biết mở ra cưu mang Con Thiên Chúa và sẵn sàng sinh Ngài ra cho nhân loại.
Hôm nay ra đường và không đâu xa nếu đi ra phía cuối nhà nguyện này ta cũng có thể cảm nghiệm được bầu khí Giáng Sinh qua hang đá, qua những cánh thiệp. Thế nhưng, chúng ta không chỉ được mời gọi dừng lại ở những trang trí bên ngoài đó. Bởi vì nếu ta hiểu đón Chúa đến là trang trí và cử hành lễ Giáng sinh cho thật to, cho thật oách thì dễ lắm, cùng lắm là tăng chi phí điều này rất đơn giản và ở trong tầm tay chúng ta.
Nhưng nếu hiểu Giáng sinh là để cho Thiên Chúa đi sâu vào từng phút giây cuộc sống của chúng ta thì không hề đơn giản. Cũng như Đức Mẹ là chúng ta phải trả giá, mà cái giá phải trả cho những chọn lựa hàng ngày là những từ bỏ các ý riêng của mình để tuân theo ý Thiên Chúa. Khó lắm, có những chọn lựa làm cho chúng ta mất ăn, mất ngủ… Nhưng chính qua những hy sinh từ bỏ ấy giúp ta sống lại kinh nghiệm đức tin, kinh nghiệm của Đức Maria mở lòng ra đón Chúa đến. Lúc đó mầu nhiệm Giáng Sinh được hiểu cách sống độn là Thiên Chúa đi vào trong cuộc đời chúng ta chứ không phải chỉ trong một thánh lễ hay trong một mùa lễ.
Xin cho chúng ta cũng biết noi gương bắt chước Mẹ Maria và thánh Giuse can đảm chọn và thực thi thánh ý Thiên Chúa trong cuộc đời. Amen.
Ji.MiKe

Thứ Hai, 12 tháng 12, 2016

Giáo Xứ Phước Nam Khai Mạc Tuần Chầu Lượt

Sáng thứ 4 ngày 07/12/2016, Đức Tổng giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh – giám quản giáo phận Thanh Hóa đã về dâng thánh lễ khai mạc tuần chầu lượt tại giáo xứ Phước Nam giáo hạt Tam Tổng.


Cùng đồng tế trong thánh lễ có quý cha đến từ Tòa giám mục Thanh Hóa, quý cha trong và ngoài giáo hạt Tam Tổng và đông đảo bà con giáo dân giáo phận Phát Diệm cùng các giáo xứ bạn lân cận.


Tạm gác một bên những bộn bề lo toan của cuộc sống, bà con giáo dân giáo xứ Phước Nam cùng quy tụ bên Chúa Giê su Thánh Thể, bên cạnh người cha chung giáo phận để cùng dâng lên Chúa lời tạ ơn, tham dự thánh lễ khai mạc tuần chầu lượt. Mặc dù nơi giáo xứ còn ngổn ngang với công trình xây dựng nhà thờ, nhưng cha xứ Giuse Phạm Tiến Phương cùng bà con giáo dân vẫn chuẩn bị tốt một tuần chầu Thánh Thể thay mặt giáo phận. Điều đó một phần nào thể hiện lòng đạo đức vốn có tự lâu đời của giáo xứ. Tuần chầu lượt của giáo xứ còn là cơ hội quý báu để con cái đi làm, đi học xa nhà quy tụ bên gia đình. Không những vậy đây còn là dịp để bà con giáo dân giáo xứ ở lại trong tình yêu của Chúa Giê su Thánh Thể, nguồn mạnh của Lòng Thương Xót vô bờ đối với nhân loại.


Phước Nam, một giáo xứ có truyền thống đạo đức lâu đời, có nguồn gốc từ giáo xứ Hảo Nho (Phát Diệm). Người dân đại đa số từ Ninh Bình và huyện Trà Lũ (Hải hậu – Nam Định, thuộc giáo phận Bùi Chu). Theo dòng thời gian cùng với những thăng trầm của lịch sử, qua các thời kỳ chia tách xứ, giáo xứ Phước Nam ngày hôm nay vẫn giữ nguyên lòng đạo sốt sắng. Đức tính bền bỉ, chịu đựng, hy sinh cho niềm tin vẫn còn mạnh mẽ trong lòng từng người giáo dân nơi đây. Giáo xứ vẫn ngày một phát triển, đang từng ngày vươn lên, đời sống đức tin ngày càng mạnh và vững chắc. Đó cũng là nguồn lực thúc đẩy giáo xứ hướng về Năm Thánh Kỷ Niệm 85 năm thành lập giáo phận cùng với trang sử mới. Hiện nay, theo số liệu thống kê năm 2016, Phước Nam có 2.634 giáo dân, 6 linh mục triều, 1 chủng sinh, 1 tu sĩ và 16 sơ thuộc các hội dòng.


Trong bầu khí vui mừng của ngày khai mạc tuần chầu lượt, Đức Tổng Giuse nhắn nhủ bà con giáo dân biết chuẩn bị tâm hồn để đón mừng Ngôi Hai xuống thế làm người, mở lòng và yêu mến Chúa cũng như tha nhân. Đặc biệt, ngài ước mong giáo xứ luôn có một đời sống đạo vui vẻ đầm ấm, cùng nhau chung tay xây dựng phát triển giáo xứ và cảm nghiệm một Mùa Vọng ngọt ngào.

Thứ Hai, 5 tháng 12, 2016

Đôi Nét Về Lịch Sử Giáo Phận Thanh Hóa


1. Giai đoạn năm 1659 - 1932
Ngày 9-9-1659, sau hơn một thế kỷ “hạt giống Tin Mừng” được các nhà truyền giáo Dòng Đa Minh, Dòng Tên gieo vãi trên quê hương đất Việt (1533-1659), sự lớn mạnh của Giáo hội Việt Nam được đánh dấu bằng việc Đức Thánh Cha Alexandre VII công bố sắc lệnh “Super Cathedram Principis” thành lập hai giáo phận Tông tòa: Giáo phận Đàng Ngoài (Phía Bắc Sông Gianh) với con số tín hữu khoảng 80.000 người, trao cho Đức tân Giám Mục Francois Pallu coi sóc và giáo phận Đàng Trong (Phía Nam Sông Gianh) với số giáo dân khoảng 20.000 người trao cho Đức tân Giám Mục Pierre Lambert de La Motte cai quản.
Sau 20 năm thành lập (1679), Địa phận Đàng ngoài được chia thành hai giáo phận: Tây Đàng Ngoài trao cho Đức Cha Jacques de Bourges coi sóc và Đông Đàng Ngoài trao cho Đức Cha Francois Deydier coi sóc. Thanh Hóa trực thuộc Địa phận Tây Đàng Ngoài.
Năm 1846 Tòa Thánh chia Địa phận Tây Đàng Ngoài thành hai Địa Phận: Nam Đàng Ngoài, tức địa phận Vinh và Tây Đàng Ngoài. Thanh Hóa nằm trong vùng đất của Địa Phận Tây Đàng Ngoài.
Ngày 2-4-1901. Đức Thánh Cha Leo XIII ban sắc lệnh thiết lập Địa Phận Thanh cũng được gọi là Địa Phận Bắc Kỳ Duyên Hải (Tonkin Maritime), gồm tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Ninh Bình – Phát Diệm và huyện Lạc Thủy của tỉnh Phước Lâm (Hòa Bình ngày nay). Vị Giám Mục tiên khởi là Đức Cha Alexandre Marcou Thành, với 24 Thừa Sai, 48 Linh Mục Việt Nam, 18 Đại Chủng Sinh, 112 Thầy Giảng, 145 Tiểu Chủng Sinh, 3 nhà Dòng Mến Thánh Giá và 80.000 Giáo dân trong 27 giáo xứ : 15 tại Ninh Bình, 7 tại Thanh Hóa và 5 tại Châu Lào.
Ngày 8-02-1902: Đức Cha Marcou Thành chính thức nhận giáo phận Thanh, đặt Toà Giám Mục tại Phát Diệm.

2. Giai đoạn từ năm 1932 đến nay
Ngày 26-4-1932: Nghị định của Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin về việc tách riêng Phát Diệm và Giáo phận Thanh Hóa được sự chấp thuận của Đức Thánh Cha Pio XI.
Ngày 7-5-1932 Sắc chỉ thành lập Giáo phận Thanh Hóa được ban hành. Theo Sắc chỉ thiết lập, Giáo phận Thanh Hóa gồm 2 tỉnh: Thanh Hóa ở đất Việt và Sầm Nưa ở đất Lào với diện tích khoảng 21.000km2, dân số khoảng 1.500.000 người, trong đó có 44.000 người công giáo bao gồm cả 7.000 người thuộc các dân tộc thiểu số. Lúc ấy nếu không tính 5 xứ thuộc Châu Lào, giáo phận chỉ có 18 giáo xứ, với 16 Thừa Sai, 48 Linh mục Việt Nam, 82 Thầy Kẻ Giảng, một ký túc xá của Dòng Đức Bà Truyền Giáo, một Tu viện Dòng Kín Camêlô.
Ngày 21-6-1932, Tòa Thánh bổ nhiệm Đức Cha Louis de Cooman Hành, Giám mục phó Phát Diệm về làm Giám Mục Thanh hóa. Ngay từ những ngày đầu về nhận Giáo phận, Đức Cha Louis de Cooman Hành đã bắt tay vào việc xây dựng giáo phận mới trong hoàn cảnh khó khăn về kinh tế (khủng hoảng kinh tế thế giới) và Chính trị (Chiến tranh thế giới thứ II). Trong kiên trì và thinh lặng, Người đã đào tạo được một hàng ngũ giáo sĩ đông đảo, đức độ, có khả năng và nhiệt huyết. Ngài xây dựng Tòa Giám Mục, Nhà Chung, Trường Thử, Tiểu Chủng Viện, trường các Thầy Kẻ Giảng. Dòng Mến Thánh giá được Người chăm sóc cách đặc biệt. Hầu hết các giáo xứ đều có đời sống tương đối ổn định và đạo hạnh. Những thành quả ấy đã trở thành nền tảng giúp mọi người kiên định niềm tin trước mọi thách đố của thời cuộc.
Sau hiệp định Geneve 1954 về Đông Dương, tình hình chính trị Việt Nam thay đổi, ngày 24 – 3 – 1954, Đức Cha Louis de Cooman Hành phải từ giã giáo phận về Pháp, ngài qua đời năm 1970 tại Lavais, Avignon, Pháp. Nhiều linh mục và tu sĩ đã đi vào Miền Nam với chừng 18.500 giáo dân. Số còn ở lại Thanh hóa: 27 Linh mục, 15 đại Chủng sinh, 70 tiểu Chủng sinh, 50 nữ tu dòng Mến Thánh Giá và khoảng 47.000 giáo dân. Cha Phêrô Phạm Tần được đặt làm Tổng quản Địa phận. 
Ngày 17-3-1959, Tòa Thánh đặt cha Phêrô Phạm Tần làm Giám mục, hiệu Tòa Giustiniapoli, Đại Diện Tông Tòa coi sóc Giáo phận Thanh Hóa.
Ngày 24-11-1960, Tòa Thánh thiết lập hàng giáo phẩm Việt Nam và chia Giáo hội Việt Nam thành 3 giáo tỉnh: Hà Nội, Huế và Sài Gòn. Đây là một trong những thời điểm quan trọng nhất để khẳng định sự lớn mạnh và trưởng thành của Giáo Hội Việt Nam:
Cũng trong ngày 24-11-1960, Đức Cha Phêrô Phạm Tần được chính thức đặt làm Giám Mục Chính Tòa Địa phận. Nhưng do hoàn cảnh lịch sử, mãi đến ngày 22-6-1975, tức là sau hơn 15 năm, Ngài mới được tấn phong Giám Mục. Ý chí dũng cảm sẵn sàng xả thân của Ngài đã làm cho Giáo phận kiên vững trong giai đoạn khó khăn nhất của lịch sử. Ngày 1-2-1990 Người được Chúa gọi về và được an táng trong cung thánh Nhà thờ  Chính toà Thanh Hóa. Thời Đức Cha Tần có cha Chính Diệm (1957-1979) và cha Chính Antôn Trần Lộc (1980-1990). 

Tòa Thánh đặt Đức Hồng Y Giuse MariaTrịnh Văn Căn - Tổng giám mục giáo phận Hà nội, làm Giám quản Thanh hóa. Nhưng chưa được mấy tháng, người đã đột ngột qua đời ngày 18-5-1990. 
Cha Antôn Trần Lộc được đặt thay thế. Trong 4 năm trời và mặc dù bệnh tật, Người đã hết mình phục vụ Giáo phận, cho đến khi Đức Cha Batôlômêô Nguyễn Sơn Lâm được Tòa Thánh bổ nhiệm từ Đà Lạt về Thanh Hóa. Cha Antôn Trần Lộc đã qua đời ngày 16-8-1995 và an táng tại đất thánh Chúa Kitô Vua trong khuôn viên Tòa Giám Mục. 

Đức Cha Batôlômêô Nguyễn Sơn Lâm : Được Toà Thánh bổ nhiệm làm Giám Mục Giáo phận Thanh Hóa ngày 23 tháng 03 năm 1994. 
Nhận Giáo Phận Thanh Hóa ngày 24 tháng 06 năm 1994. Được Chúa gọi về lúc 0 giờ 15 phút, ngày 09 tháng 06 năm 2003. Hưởng thọ 74 tuổi ; 18 năm linh mục, 28 năm Giám mục (19 năm làm Giám mục Đà Lạt, 9 năm Giám mục Thanh Hoá). Trong thời gian giữ cương vị chủ chăn tại Thanh Hóa, Ngài đã có tinh thần hy sinh, yêu mến Giáo phận một cách đặc biệt : Ngài lo xây dựng cơ sở vật chất từ Tòa giám mục, nhà Dòng Mến Thánh Giá cho đến nhà thờ các giáo xứ và các giáo họ; lo xây dựng đời sống tinh thần, đời sống đạo đức và đời sống vật chất cho giáo dân trong Giáo phận. Mặc dù vào những năm cuối đời, tuổi già sức yếu, bệnh tật hoành hành, nhưng ngài vẫn lo chu toàn bổn phận của một vị mục tử nhân hiền. Thi hài của ngài được an táng tại Nhà Thờ Chính Tòa Thanh Hóa, ngày 13 tháng 06 năm 2003. 
Đức Ông Gioan Baotixita Lưu Văn Khuất : Sau khi Đức cha Batôlômêô Nguyễn Sơn Lâm qua đời, Tòa thánh đã bổ nhiệm Đức ông Gioan Baotixita Lưu Văn Khuất làm Giám quản Giáo phận Thanh Hóa. Mặc dù tuổi cao sức yếu, nhưng Đức ông đã làm việc hết mình cho Giáo phận. Đến ngày 27-10-2003, Đức ông đã được Chúa gọi về, hưởng thọ 82 tuổi và an táng tại đất thánh Chúa Kitô Vua trong khuôn viên Tòa Giám Mục.
Đức Cha Giuse Ngô Quang Kiệt : Sau sự ra đi của Đức ông Giám quản Giáo phận J.B Lưu Văn Khuất. Ngày 28-10-2003, Toà Thánh đã đặt Đức cha Giuse Ngô Quang Kiệt, Giám mục Giáo phận Lạng Sơn, Giám quản Giáo phận Hà Nội, làm Giám quản Giáo phận Thanh Hóa. 
Mặc dù bận rất nhiều công việc, đường xá xa xôi, nhưng Đức Cha đã hy sinh tất cả để về tham dự tĩnh tâm hàng tháng với linh mục đoàn Giáo phận. Ngài làm Giám quản cho đến khi Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh về nhận Giáo phận ngày 04-08-2004. 
Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh : Vị Giám mục thứ tư của Giáo phận Thanh Hóa là một người con của Ba Làng, của Cửa Bạng lịch sử. Được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám Mục Chính Tòa Thanh Hóa ngày 12-06-2004, Ngài đã chọn khẩu hiệu “Xin Cho Họ Nên Một” để dẫn dắt giáo phận quê nhà bước vào ngưỡng cửa của thiên niên kỷ thứ ba với nhiều thách đố.
Ngày 29 tháng 10 năm 2016, tức 17g cùng ngày tại Việt Nam. Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh, hiện đang là Giám mục giáo phận Thanh Hoá, làm Tổng giám mục Chính toà Tổng giáo phận Huế, kiêm Giám quản Tông toà giáo phận Thanh Hoá “trống toà và tuỳ ý Toà Thánh” (sede vacante et ad nutum Sanctae Sedis).
Ngày 04 tháng 01 năm 2017, giáo phận Thanh Hóa sẽ khai mạc Năm Thánh Mừng 85 Năm Thành Lập.