Lời Chúa là một hồng ân. Tha nhân
là một hồng ân.
Anh Chị Em thân mến,
Mùa Chay là một khởi đầu mới, là một
con đường dẫn đến mục tiêu nhất định là lễ Phục Sinh, là chiến thắng của Chúa
Kitô trên sự chết. Mùa Chay khẩn thiết kêu gọi chúng ta hoán cải. Kitô hữu được
yêu cầu quay về với Thiên Chúa “với tất cả tâm hồn họ” (Joel 2:12), để từ khước
việc hài lòng với những điều tầm thường và lớn lên trong tình bạn với Chúa.
Chúa Giêsu là người bạn trung thành, là người không bao giờ bỏ rơi chúng ta.
Ngay cả khi chúng ta phạm tội, Ngài kiên nhẫn chờ đợi sự trở lại của chúng ta;
và qua sự trông đợi kiên nhẫn như thế, Chúa cho chúng ta thấy sự sẵn sàng tha
thứ của Ngài (x Bài giảng, 08 tháng 1 năm 2016).
Mùa Chay là mùa thuận lợi cho việc
đào sâu đời sống tinh thần của chúng ta qua các phương tiện thánh hóa mà Giáo Hội
mang đến cho chúng ta như ăn chay, cầu nguyện và bố thí. Cơ sở của tất cả những
điều này là Lời Chúa, mà trong suốt mùa này, chúng ta được mời gọi lắng nghe và
suy ngẫm sâu sắc hơn. Giờ đây tôi muốn suy tư trên dụ ngôn người đàn ông giàu
có và ông Ladarô (Lc 16: 19-31). Chúng ta hãy để mình được linh hứng trong câu
chuyện đầy ý nghĩa này, vì nó mang lại chìa khóa để hiểu những gì chúng ta cần
phải làm để đạt được hạnh phúc chân thật và sự sống đời đời. Câu chuyện này
khích lệ chúng ta hãy chân thành hoán cải.
Tha nhân là một hồng ân
Dụ ngôn bắt đầu bằng việc giới thiệu
hai nhân vật chính. Người đàn ông nghèo được mô tả chi tiết hơn: ông đã thê thảm
đến mức không còn sức để đứng dậy. Nằm trước cửa nhà người đàn ông giàu có, ông
sống nhờ những mảnh bánh vụn rơi xuống từ bàn của người nhà giàu. Người ông đầy
những vết lở lói và chó đến liếm các vết thương của ông (x. 20-21). Đây là một
hình ảnh thật quá khổ đau; nó mô tả một con người bất hạnh và đáng thương.
Cảnh này thậm chí còn gây ấn tượng
hơn nữa nếu chúng ta để ý rằng con người nghèo khổ này được gọi là Ladarô: một
cái tên đầy hứa hẹn, Ladarô có nghĩa là “Thiên Chúa hộ trì”. Nhân vật này không
phải là vô danh. Danh tính của ông được mô tả rõ ràng và ông xuất hiện như là một
cá nhân với câu chuyện của mình. Trong khi ông hầu như là vô hình đối với người
giàu có, chúng ta nhận ra ông như một ai đó quen thuộc. Ông trở thành một khuôn
mặt, và như thế là một hồng ân, một kho tàng vô giá, một con người mà Thiên Chúa
yêu thương và chăm sóc, mặc dù tình hình cụ thể của ông không hơn gì một kẻ bị
ruồng bỏ (x Bài giảng, ngày 08 Tháng 1 2016).
Ladarô dạy chúng ta rằng tha nhân
là một hồng ân. Tương quan đúng đắn với con người bao gồm việc nhìn nhận giá trị
của họ với lòng biết ơn. Ngay cả một người nghèo nơi cổng nhà của người giầu
cũng không phải là một điều cồng kềnh gây phiền toái, nhưng là một lời mời gọi
hoán cải và thay đổi cuộc sống. Dụ ngôn này trước hết mời gọi chúng ta mở cửa
lòng mình cho tha nhân vì mỗi người đều là một hồng ân, dù cho người ấy là láng
giềng của chúng ta hay một người ăn xin vô danh. Mùa chay là mùa thuận tiện để
mở cửa cho tất cả những ai đang túng quẫn và nhận ra nơi họ khuôn mặt của Chúa
Kitô. Mỗi người trong chúng ta gặp gỡ những người như thế mỗi ngày. Mỗi cuộc sống
mà chúng ta gặp gỡ phải là một ân sủng đáng được đón nhận, tôn trọng và yêu
thương. Lời Chúa giúp chúng ta mở rộng đôi mắt để đón tiếp và yêu mến sự sống,
nhất là khi sự sống ấy yếu ớt và mong manh. Nhưng để làm được như thế, chúng ta
phải suy tư nghiêm chỉnh về những gì Phúc Âm nói với chúng ta về người giầu có.
Tội lỗi làm chúng ta đui mù
Dụ ngôn mô tả không thương tiếc những
điều ngược lại khi nói về người đàn ông giàu có (x v. 19). Không giống như anh
Ladarô nghèo, ông không có một cái tên; ông chỉ đơn giản được gọi là “một người
đàn ông giàu có”. Sự sang trọng của ông đã được nhìn thấy nơi chiếc áo choàng lộng
lẫy và đắt tiền. Vải màu tím thậm chí còn quý hơn vàng và bạc, và do đó đã được
dành cho các thần linh (Giêrêmia 10: 9) và các vị vua (x. Thủ Lãnh 8:26), trong
khi vải len mịn được dành cho một nhân vật gần như là thánh thiêng. Người đàn
ông rõ ràng phô trương về sự giàu có của mình, và có thói quen biểu diễn nó
hàng ngày: “ông ngày ngày yến tiệc linh đình” (câu 19). Nơi ông, chúng ta có thể
thoáng thấy sự băng hoại của tội lỗi, tiến triển qua ba giai đoạn kế tiếp nhau:
yêu mến tiền của, phù hoa và tự hào (x Bài giảng, ngày 20 tháng 9 2013).
Thánh Tông Đồ Phaolô nói với chúng
ta rằng “cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc” (1 Tim 6:10).
Đây là nguyên nhân chính của tham nhũng và một nguồn mạch dẫn đến ghen tị, xung
đột và nghi ngờ. Tiền bạc có thể thống trị chúng ta, thậm chí đến mức nó trở
thành một thứ ngẫu tượng độc tài (cf. Evangelii Gaudium, 55). Thay vì là một
khí cụ phục dịch chúng ta để làm điều thiện và thể hiện tình đoàn kết với người
khác, tiền bạc có thể xiềng xích chúng ta và cả thế giới vào một thứ luận lý
ích kỷ không còn chỗ cho tình yêu và gây trở ngại cho hòa bình.
Dụ ngôn sau đó cho thấy sự tham lam
của người đàn ông giàu có làm cho ông ta ra hư không. Tính cách của ông ta được
thể hiện qua dáng vẻ bề ngoài, nơi việc khoe khoang cho người khác thấy những
gì ông có thể làm. Nhưng vẻ bề ngoài ấy chỉ che đậy một sự trống rỗng bên trong.
Trong cuộc đời mình, ông chỉ là một tù nhân cho dáng vẻ bên ngoài, cho các khía
cạnh hời hợt và phù du nhất của đời người (x. thượng dẫn., 62).
Bậc thấp nhất của sự suy thoái đạo
đức này là niềm tự hào. Người đàn ông giàu có này ăn mặc như một vị vua và hành
xử như một vị thần, mà quên rằng ông chỉ đơn thuần là một sinh linh hay chết. Đối
với những người bị băng hoại vì mê mải sự giàu sang, không có gì tồn tại ở
ngoài cái tôi của riêng họ. Những người xung quanh không có trong tầm mắt họ. Hậu
quả của việc bo thiết với tiền bạc là một loại mù lòa. Người đàn ông giàu này
không thấy những người nghèo, những người đang đói, đang bị thương, nằm ở cửa
nhà mình.
Nhìn vào nhân vật này, chúng ta có
thể hiểu tại sao Tin Mừng thẳng thừng lên án lòng yêu mến tiền của: “Không ai
có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó
với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm
tôi Tiền Của được” (Mt 6:24).
Lời Chúa là một hồng ân
Trình thuật Phúc Âm về người đàn
ông giàu có và anh Ladarô giúp chúng ta chuẩn bị tốt để tiến tới Lễ Phục Sinh.
Phụng vụ Thứ Tư Lễ Tro mời gọi chúng ta đến với một kinh nghiệm khá tương tự
như kinh nghiệm của người đàn ông giàu có. Khi linh mục đặt tro trên đầu chúng
ta, ngài lặp lại những lời này: “Hãy nhớ rằng mình là tro bụi, một mai rồi sẽ
trở về bụi tro”. Cuối cùng, cả người đàn ông giàu có và người nghèo đều qua đời,
và phần quan trọng của dụ ngôn này nằm ở đoạn nói về những gì diễn ra ở thế giới
bên kia. Hai nhân vật đột nhiên phát hiện ra rằng “chúng ta đã chẳng mang gì
vào cõi đời này, thì cũng chẳng mang ra được gì” (1 Tm 6: 7).
Chúng ta cũng thấy những gì xảy ra ở
thế giới bên kia. Ở đó người đàn ông giàu có nỉ non cùng Abraham, là người mà
ông gọi là “cha” (Lc 16: 24,27), như một dấu chỉ cho thấy ông ta thuộc về dân
Chúa. Chi tiết này làm cho cuộc sống của ông ta xem ra mâu thuẫn đến tột cùng,
vì cho đến thời điểm này, chưa hề có chỗ nào đề cập về mối quan hệ của ông với
Thiên Chúa. Trong thực tế, không có chỗ cho Thiên Chúa trong cuộc sống của ông.
Thần minh duy nhất của ông là chính mình.
Người đàn ông giàu có chỉ nhận ra
Ladarô giữa những đau khổ của thế giới bên kia. Ông muốn người đàn ông nghèo
này làm giảm bớt đau khổ của mình bằng một giọt nước. Những gì ông van xin Ladarô
cũng tương tự như những gì ông đã có thể làm nhưng không bao giờ làm. Abraham
nói với ông: “Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con
rồi; còn Ladarô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, Ladarô được an ủi
nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ.” (c. 25). Trong thế giới bên kia, một
loại công lý đang được phục hồi và những điều bất hạnh trong cuộc đời được cân
bằng bởi điều tốt lành.
Dụ ngôn tiếp tục với việc đưa ra một
thông điệp cho tất cả các Kitô hữu. Người đàn ông giàu có xin Abraham gửi
Ladarô về cảnh báo các anh em của mình, là những người vẫn còn sống trên dương
thế. Nhưng Abraham trả lời: “Chúng đã có Môsê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe
lời các vị đó” (câu 29). Bác bỏ lời phản đối của người đàn ông giàu có, Abraham
nói thêm: “Môsê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống
lại, họ cũng chẳng chịu tin đâu” (câu 31)..
Vấn đề thực sự người đàn ông giàu
có vì thế được đặt lên hàng đầu. Cội rễ của tất cả căn bệnh của ông là sự thất
bại không chú ý đến lời Thiên Chúa. Kết quả là, ông không còn yêu mến Thiên
Chúa và càng ngày càng coi thường người láng giềng của mình. Lời Chúa sống động
và mạnh mẽ, có khả năng chuyển đổi trái tim và dẫn chúng ta trở về với Chúa.
Khi chúng ta đóng kín con tim chúng ta trước hồng ân Lời Chúa, chúng ta cũng
đóng kín con tim của chúng ta trước ân sủng là các anh chị em của chúng ta.
Anh chị em thân mến,
Mùa Chay là mùa thuận lợi cho việc
đổi mới cuộc gặp gỡ của chúng ta với Chúa Kitô, cho việc sống trong lời Ngài,
trong các phép bí tích và nơi những người láng giềng của chúng ta. Chúa, là Đấng
đã chiến thắng sự lừa dối của tên cám dỗ trong bốn mươi ngày trong sa mạc, chỉ
cho chúng ta thấy con đường chúng ta phải đi. Nguyện xin Chúa Thánh Thần dẫn
đưa chúng ta vào một cuộc hành trình thực sự của hoán cải, qua đó chúng ta có
thể tìm lại hồng ân lời Chúa, được thanh tẩy khỏi những tội lỗi làm mờ mắt
chúng ta, và phục vụ Chúa Kitô hiện diện nơi những anh chị em cùng quẫn của
chúng ta. Tôi khuyến khích tất cả các tín hữu thể hiện tinh thần đổi mới này bằng
cách chia sẻ trong các Chiến dịch Mùa Chay được thúc đẩy bởi nhiều tổ chức Giáo
Hội tại những miền khác nhau trên thế giới, và nhờ thế sẽ làm thuận lợi cho nền
văn hóa gặp gỡ trong cùng một gia đình nhân loại của chúng ta. Chúng ta hãy cầu
nguyện cho nhau để khi chia sẻ trong chiến thắng của Chúa Kitô, chúng ta có thể
mở cửa lòng chúng ta đối với người yếu thế và người nghèo. Khi đó chúng ta sẽ
có thể trải nghiệm và chia sẻ đầy đủ niềm vui Phục Sinh.
Từ Vatican, ngày 18 tháng 10 năm 2016
Lễ Thánh Luca Tông Đồ Thánh Sử
Nguồn: http://vietcatholic.org/News/Html/214204.htm
0 nhận xét:
Đăng nhận xét