Thứ Sáu, 13 tháng 1, 2017

Suy Niệm: Tin Mừng Chúa Nhật II - Thường Niên A (Ga 1,29-34)


Trong cuộc sống, có những lúc ta cảm thấy bơ vơ, lạc lõng giữa dòng đời, giữa chốn đông người mà lòng ta vẫn cảm thấy bơ vơ. Nhất là những lúc gặp khó khăn, đau khổ ta lại càng trở nên cô quạnh hơn bao giờ hết: “Trăm năm nào có gì đâu, chẳng qua một nấm cỏ khô xanh rì’. Người ta cố gắng đi tìm ý nghĩa đích thực của kiếp người ngắn ngủi, nhưng xem ra, tiếng than thở thì nhiều. Thế nên, triết lý sống hiện tại là “hưởng thụ”. Hưởng thụ để bù lại những thiệt thòi mất mát vì sự hữu hạn của kiếp người, để tự tạo cho mình thứ hạnh phúc tạm bợ chóng qua thay vào hạnh phúc khát vọng mà con người không thể nào với tới được.

Nhưng càng chạy theo hưởng thụ, con người càng hụt hẫng, chới với. Tham vọng thì vô bờ, và cuối cùng, đời người là tiếc nuối. Tìm hạnh phúc chỉ với hưởng thụ, chỉ với sở hữu vật chất, con người không thể nào có hạnh phúc. Dấu hiệu của sự vắng bóng hạnh phúc là sự bất an. Sự bất an ở trong lòng mỗi người đi đến bất an của nhân loại, bất an của thế giới.

Suất dọng lịch sử nhân loại đã từng có những vĩ nhân góp phần thay đổi thế giới. Thay đổi bằng nhân sinh quan mới mẻ hay bằng chiến tranh chinh phục. Thay đổi bằng những phát minh khoa học, những khám phá phát triển kinh tế,… để cuộc sống con người được tốt đẹp hơn.

Rõ ràng, thế giới đã có nhiều thay đổi: giàu có hơn, văn minh hơn, gần gũi nhau hơn... Nhưng, thật đáng tiếc, thế giới cũng bất an hơn: phương tiện chiến tranh hiện đại hơn, tốc độ phát triển vũ khí giết người hàng loạt nhanh hơn, tranh chấp, phân tán, chia rẽ nhiều hơn, khủng bố, giết người, con người trở nên vô tâm – vô cảm hơn... Và có lẽ bất an đáng sợ nhất đó là đạo đức sa đọa ngày một cao hơn: có chăng đó là thứ bình an trong tội lỗi.

Vậy thì ai cho ta sự bình an đích thật? Ai có thể lấp đầy khoảng trống mông lung trong tâm hồn chúng ta? Người đó chính là Đức Giêsu Kitô.
Thánh Gioan chỉ với một lời giới thiệu ngắn gọn, chứa đựng trọn vẹn chân lý cuộc sống và niềm hy vọng của con người. "Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian.”(Ga.1,29).
Trong Kinh Thánh, ngoài việc: chiên – được dùng làm biểu tượng cho những người hiền lành, đạo đức đơn sơ. Chiên: có ý nghĩa sâu xa là con vật dùng làm lễ tế, một món ăn không thể thiếu vào bữa tiệc kỷ niệm ngày Chúa giải phóng dân Ngài khỏi AiCập.

Chúa Giêsu là một con chiên như thế, nhưng là một con chiên không phải chỉ để cho người ta thương thức bằng những món ăn chóng qua, mà bằng món ăn đem lại sự sống. Đó là một cuộc đời Hiến Tế vì nhân loại và cho nhân loại. Ngài là Đấng Cứu Thế. 

Đây chiên Thiên Chúa, đây Đấng XÓA tội trần gian. Nhưng có lẽ phải dùng từ Đấng GÁNH lấy tội trần gian thì mới trọn nghĩa được. XÓA thì đứng ở ngoài cuộc để thực hiện công việc. Còn GÁNH lấy thì buộc phải vào cuộc, ghánh lấy thân phận, ghánh lấy tội lỗi của con người.

Ở nơi Giêsu: Con Người là “Chiên Thiên Chúa” - nhân loại nhận ra bài học của Tình Yêu. Đấng dạy cho nhân loại Tình yêu Thiên Chúa, giá trị nhân phẩm của con người là Con Thiên Chúa, và bình an của con người là tình huynh đệ cùng là con Thiên Chúa.

Ở nơi Giêsu: nhân loại nhận biết và tin vững con người từ đâu đến, sống để làm gì, và rồi, con người sẽ đi về đâu.
Ở nơi Giêsu: con người thấu hiểu được vì sao nhân loại bất an, và hạnh phúc phù phiếm chóng qua. Con người biết mình phải làm gì để thoát khỏi tuyệt vọng. Ở nơi Giêsu: con người mới thấy đâu là chân giá trị kiếp nhân sinh, vì con người bước đi trong ánh sáng. Ở nơi Giêsu: con người tìm thấy tất cả những câu giải đáp cho thân phận của mình.

Và, con người vững tin nơi Giêsu, vì bài học của Giêsu không phải là bài học lý thuyết suông được viết bằng giấy mực, mà được viết bằng chính cuộc đời của Ngài. Một cuộc đời yêu thương con người, và chết cho con người. 


0 nhận xét:

Đăng nhận xét