Thứ Sáu, 21 tháng 7, 2017

5 Biến Cố Lớn Trong Cuộc Đời Thánh Âu-tinh "Dân Chơi Thứ Thiệt" Một Thời

Chẳng bao giờ là quá trễ cho một cuộc thay đổi cả…
Thánh Âu-tinh, sống hồi thế kỷ IV dưới đế chế La Mã, với một thời trai trẻ bất trị. Quả vậy, trước khi trưởng thành, ngài đã trải qua một giai đoạn nổi loạn. Có thể coi ngài như là một Marlon Brando phiên bản cổ thời.
Về quãng đời sau này của mình, sau khi ngài đã nhận ra những lầm lỗi của mình, chúng ta thấy ngài chẳng hề “kín miệng” xíu nào cả, ngài cố mô tả, qua cuốn sách Confessions (Tự thuật) của mình, thật chi tiết về các cách hành xử của mình. Confessions là cuốn sách đầu tiên thuộc thể loại này, một bản tự thuật phơi bày tất cả mọi chuyện, được viết ra một cách phóng khoáng, không câu nệ, của một nhân vật nổi tiếng về những bí mật ẩn kín và những bài học trong đời mình. Những dữ kiện, những thông tin trong đó, được viết ra một cách mạnh dạn, không è dè. Trong tác phẩm này, thánh Âu-tinh đã bày tỏ nỗi âu lo rằng, ngài đã muộn màng thay cuộc đời mình, đã lãng phí quá nhiều thời giờ, và vì ngài đã làm quá nhiều điều sai lỗi nên ngài cũng lo lắng, chẳng biết mình  có thể bù đắp, khắc phục nổi chúng nữa hay không.
Giống như thánh Âu-tinh, ai trong chúng ta cũng đều có những câu chuyện của quá khứ đời mình cả (nhiều khi là chuyện của mới ngày hôm qua), những câu chuyện thật khó khăn mỗi khi phải hồi tưởng lại, những chuyện đã xảy ra trong đời mà chúng ta mong rằng, giá mà mình có cơ hội được làm lại và có được một chọn lựa tốt đẹp hơn. Rõ ràng, tôi cũng có những câu “giá mà” như vậy – dầu sao, tôi cũng không hề có ý định xuất bản ngay những “tự thuật” của mình đâu.
Đôi khi, nhìn về quá khứ, chúng ta nản lòng, chẳng còn thiết gì đến việc thay đổi trong tương lai nữa, như thể chúng ta đã đi quá xa rồi, không thể cải tà quy chánh được nữa. Nhún vai một cái, thốt ra một câu quen quen, “Ờ thì đó là tôi đấy, tôi chỉ muốn sống thật thôi mà”. Những lời như thế đã từng thường trực trên môi miệng tôi, những rồi, tôi nhận ra rằng, đấy chỉ là cách tôi bao biện để ngoan cố tiếp tục “đường xưa lối cũ” mà thôi, trong khi, thực sự, quá khứ không bao giờ được trở nên cản ngại cho sự tiến triển của tương lai. Một trong những lý do khiến tôi yêu mến sự tự kiểm thảo chân thành những lầm lỗi của thánh Âu-tinh, đó là, thánh nhân cho thấy, không bao giờ là quá muộn màng cho một sự thay đổi, để trở nên con người mà bạn muốn cả.
Dĩ nhiên, giờ thì Âu-tinh đã là một vị thánh, thế nhưng ngài đã thực sự từng là một con người tệ mạt đến mức nào? Ngài giống tôi, giống bạn ra sao? Nổi loạn chống cưỡng thì ngài cũng ở mức độ kha khá đấy, còn về mặt lỗi lầm, thì thành thực mà nói, xem ra ngài còn hơn bạn.
Một tên trộm cắp
16 tuổi, Âu-tinh và đám bạn du đãng đã hái trộm sạch sẽ một cây lê của nhà hàng xóm rồi liệng cho heo. Đó có vẻ là một vụ trộm vặt, thế những trong tâm tưởng của ngài, đó là một lỗi lầm trầm trọng. Vì ngài đã không ăn những trái lê hái được, thậm chí ngài cũng chẳng đói khát gì cả, nhưng trộm cắp chỉ vì thích thế, vậy thôi. Sau này, trong tác phẩm của mình, ngài cho biết, liệng số lê đó đi “khiến hết thảy chúng tôi còn hả hê hơn nữa, vì đó là điều bị cấm đoán”. Với thánh Âu-tinh, đây chính là cú “nhúng chàm” đầu tiên, khởi đầu cho cả một chuỗi những sa đoạ ngày càng trầm trọng hơn sau đó.
Dân chơi thứ thiệt (playboy)
Tuổi thanh niên, Âu-tinh trăng hoa đến độ đồi truỵ. Ngài mô tả, từ hồi chạc 16, “cơn mê loạn cuốn lấy tôi, tôi buông mình trong sắc dục dâm ô”. Tình trạng này kéo dài, ngay cả trong những năm từ 30-40 tuổi, ngài vẫn còn phải chiến đấu với thói tật ham muốn tình dục thái quá vô độ của mình. Hồi học đại học, ngài sống chung với một người phụ nữ, và mặc dù mối dan díu này kéo dài tới 10 năm trường, ngài đã không cưới người phụ nữ này.
Làm cha mà chưa hề lập gia đình
Quyết định của Âu-tinh không cưới nhân tình (thánh nhân không bao giờ tiết lộ danh tánh của người đàn bà này) thậm chí, khó mà biện minh hơn, khi ngài cho biết rằng, cô nhân tình ấy còn sinh cho ngài một cậu con trai tên là Adeodatus. Ngài mang theo cả hai đến Rôma khi con đường sự nghiệp của ngài thăng tiến, thế nhưng ngài vẫn không chịu kết hôn. Cô nhân tình rốt cuộc đã phải đưa ra một quyết định khó khăn là rời bỏ ngài. “Cô ấy mạnh mẽ hơn tôi”, ngài đã viết như thế.
Lại một nhân tình nữa
Cú sốc bị cô tình nhân và cũng là mẹ của con trai bỏ rơi, Âu-tinh ráng “cú chót” để giải quyết cho xong mớ bùng nhùng tình ái của ngài, do vậy một cuộc hôn nhân đã được sắp đặt với một cô gái trẻ. Vấn đề là, cô ấy còn quá trẻ, và phải đợi 2 năm nữa mới đủ tuổi kết hôn. Trong lúc đợi chờ này, Âu-tinh đã không đủ kiên nhẫn và đã kiếm một cô nhân tình khác. Ngài viết rằng, ngài không “chịu được sự trì hoãn”, và “là một tên nô lệ cho sắc dục”. Thời điểm này, ngài rơi vào tuyệt vọng, và nhận ra rằng, mình đã không thể nào phân biệt được, đâu là đam mê xác thịt, và đâu là tình yêu thực sự.
Làm nát lòng mẹ
Tất cả những chọn lựa hoang đàng này thậm chí còn tệ hại hơn, khi chúng ta xét đến điều này: chẳng những Âu-tinh đâm mình sống đời truỵ lạc liên miên, nhưng những việc làm của ngài còn làm tổn thương những người xung quanh ngài nữa, phải kể đến chính là mẹ của ngài, bà Monica. Chắc hẳn bà đã phải tan nát cõi lòng nhiều lắm, và có lẽ nhiều lúc bà đã phải tự hỏi, mình đã làm gì sai trái đến độ sinh ra một đứa con đàng điếm đến độ như vậy. Không thể kiểm soát được ngài, bà chỉ cầu xin ngài, ít ra đừng quyến rũ những phụ nữ đã có gia đình.
Bất chấp những lầm lỗi của mình, Âu-tinh sau này đã chiến thắng được những thói tật, hủ hoá của mình. Ngài làm lành cùng mẹ và nuôi dưỡng đứa con trai của mình.
Khi chúng ta đọc về các vị thánh như thánh Âu-tinh, thường thì chúng ta hay có ý hướng biện minh cho các lỗi lầm của các vị, hoặc giả tảng như các vị chẳng hề làm gì sai trái cả, nhưng như vậy là không đúng. Cuộc đời của thánh Âu-tinh, cùng với sự trung thực trong khi nhìn nhận về mọi sự của ngài, đã cho thấy một mẫu gương can đảm, rằng, bất chấp quá khứ lỗi lầm của chúng ta có ra sao, bất chấp con người của chúng ta có tệ mạt và đáng ghét thế nào, bất kể, hình mẫu mà chúng ta muốn nhắm đến có khác biệt với con người thật của chúng ta đến cỡ nào đi nữa, thì chẳng bao giờ là quá trễ để hoán cải cả. Nếu chúng ta quyết liệt tiến lên, thành thật, trung thực đối diện với lịch sử đời mình, thì quá khứ sẽ chẳng thể nào ngăn cản chúng ta có được những niềm vui của một tương lai luôn sẵn chờ.
Chuyển dịch: Hoàng Long (Nhóm phiên dịch Mai Khôi)


0 nhận xét:

Đăng nhận xét